Khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, một trong những câu hỏi lớn được đặt ra là tương lai của khí đốt Nga tại châu Âu. Một bên, châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga, nhưng ngược lại xuất khẩu khí đốt cũng đóng góp phần lớn cho ngân sách Nga. Sau đó, Nga chủ động cắt giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu do những xung đột quanh việc Nga yêu cầu thanh toán bằng đồng Ruble. Dòng khí từ Nga sang phía Tây sụt giảm mạnh.
Khi đó, một dự án đường ống vốn đã lay lắt từ lâu được vực dậy như một con đường mới cho Nga, đó chính là hệ thống Power of Siberia 2 (POS 2) hay có cái tên ban đầu là đường ống Altai. Dự án xây dựng đường ống này được đề xuất từ năm 2006[1], khí Gazprom và CNPC của Trung Quốc ký biên bản ghi nhớ xây dựng hệ thống đường ống dài 2,600km nối giữa hai nước. Tuy vậy dự án bị xếp xó khi hai nước không đạt được thỏa thuận về giá khí đốt. Quá trình đàm phán tiếp tục được thực hiện trong những năm sau đó nhưng không đi đến đâu, một phần là vì sự phản đối của các nước cộng hòa thuộc Nga mà hệ thống đường ống đi qua[2]. Đến cuối năm 2019, Nga đạt được thỏa thuận với Mông Cổ về việc cho phép xây đường ống thông qua lãnh thổ nước này. Dù vậy, quá trình đàm phán giữa Nga và Trung Quốc vẫn kéo dài, dẫn đến việc đến nay, Mông Cổ vẫn chưa xác định được hệ thống sẽ đi qua phần nào của lãnh thổ để điều tra khảo sát[3].
POS 2 là một trong những nỗ lực của Nga để giảm phụ thuộc nguồn thu vào việc bán khí đốt sang châu Âu, nhưng ngược lại, Trung Quốc là một thị trường tiềm năng cho các nhà cung cấp khí đốt, giúp Trung Quốc có nhiều lựa chọn nên họ không quá vội vã trong việc ký kết hợp đồng với Nga về đường ống POS 2. Hiện tại, Trung Quốc đang có hai đường ống nhập khẩu khí đốt là Power of Siberia từ Nga và đường ống Central Asia–China nối từ Turkmenistan qua hai nước Trung Á khác trước khi vào Trung Quốc. Hai hệ thống đường ống này cung cấp gần 50 tỷ mét khối khí cho Trung Quốc mỗi năm, tương đương với khoảng 21% nhập khẩu khí đốt của nước này[4].
Phần còn lại, Trung Quốc nhập khẩu qua đường biển dưới dạng LNG, mà nhiều nhất, là từ Australia với khoảng 44 tỷ mét khối/năm và Mỹ với 12 tỷ mét khối. Ngoài ra thì Trung Quốc còn nhập từ Qatar (12 tỷ), Malaysia (12 tỷ) và Nga (8 tỷ) từ nhà máy khí tại Sakhalin.
Trong thời gian vừa qua, Trung Quốc cũng ký thêm một loạt các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn mới với Qatar (4 triệu tấn ~ 5.5 tỷ m3/năm trong 27 năm)[5] và 2 hợp đồng với Mỹ (1 triệu tấn ~ 1.4 tỷ m3/năm trong 20 năm với mỗi hợp đồng)[6].
Nếu xét theo chính sách trọng an ninh hiện nay của Trung Quốc, thì Trung Quốc hiện đang đối mặt với một số rủi ro về an ninh năng lượng khi một phần lớn nguồn cung khi của nước này đến từ những nước “không thân thiện” là Mỹ và Australia. Vậy nên sẽ là hợp logic để phát triển một đường ống mới với Nga.
Tuy nhiên, ngay cả trong cuộc gặp mặt gần nhất giữa nguyên thủ hai quốc gia là Tập Cận Bình và Putin, phía Trung Quốc hoàn toàn lờ đi vấn đề đường ống POS 2[7], bất chấp việc phía Nga thúc đẩy rất mạnh chủ đề này. Trong bản tuyên bố chung giữa hai nước, chỉ nói một cách sơ qua về việc đẩy mạnh hợp tác lâu dài trong lĩnh vực năng lượng, mà không nói sâu thêm về POS 2[8]. Trung Quốc cũng không bình luận gì thêm.
Mặc dù sau cuộc gặp, Putin có nói rằng Nga và Trung Quốc đã phát biểu rằng hầu hết các vấn đề xung quanh đường ống POS 2 đã được đồng thuận[9], nhưng nhiều bài báo sau đó có viết là Nga – Trung đã đạt được đồng thuận về POS 2, thậm chí là ký kết thỏa thuận. Dường như có vấn đề trong dịch thuật ở đây. Nhưng sau đó, Phó Thủ tướng Novak, phụ trách vấn đề năng lượng của Nga lại phát biểu, “hy vọng một thỏa thuận cung cấp khí đốt sang Trung Quốc qua đường ống POS 2 sẽ được ký kết trong năm nay”[10] cho thấy vẫn chưa có gì được ký giữa hai nước.
Kể cả trong trường hợp, việc ký thỏa thuận cung cấp khí và việc thống nhất xây dựng được ống là hai quá trình ký kết riêng biệt, sự im lặng của Trung Quốc sau cuộc họp cũng là một câu hỏi lớn.
Sản lượng khai thác khí đốt nội địa của Trung Quốc trong năm 2022 được báo cáo đạt 220 tỷ mét khối[11] trong khi nhu cầu là 336.3 tỷ mét khối[12]. Như vậy, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu khoảng 116 tỷ mét khối. Nếu POS 2 được thông qua (50 tỷ mét khối/năm) cùng với POS được vận hành hết công suất (38 tỷ mét khối/năm), Nga sẽ xuất sang Trung Quốc tổng cộng 88 tỷ mét khối, tương đương với hơn 75% nhập khẩu của nước này. Đây sẽ là một sự phụ thuộc quá lớn đối với Trung Quốc, khi xét tới bài học gần nhất của châu Âu khi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung khí đốt từ Nga.
Với các nguồn cung nhập khẩu từ đường ống và LNG hiện tại của Trung Quốc, nước này hiện đang khá thoải mái về vấn đề khí đốt, vì vậy Trung Quốc không vội vàng gì trong việc xây dựng một đường ống dẫn mới với Nga, nhất là trong tình hình hiện nay. Trừ khi, Trung Quốc nhận được một thỏa thuận thực sự có lợi.
Đối với Nga, xuất khẩu khí đốt (cả bằng đường ống và LNG) sang các nước ngoài khối CIS trong năm 2022 đã giảm 61.8 tỷ mét khối[13], đã bao gồm cả mức tăng của xuất khẩu sang Trung Quốc và LNG sang châu Âu. Việc Nga cấm vận đường ống Yamal – Europe cùng với việc đường ống Nordstream bị phá hoại, Nga cần đường ống POS 2 để có thể bù đắp phần xuất khẩu sang châu Âu bị mất.
Đường ống POS mất 12 năm để vào vận hành kể từ khi dự án được thông qua và 7 năm kể từ khi bắt đầu xây dựng. Kể cả nếu POS 2 được thông qua tất cả các mặt trong năm nay như Nga mong muốn, thì chúng ta khó có thể kỳ vọng nó có thể đi vào hoạt động trước nửa thập kỷ tới. Vậy nên, trong thời gian đó, Nga sẽ làm gì để có thể khôi phục xuất khẩu?
[1]Kommersant. (2006). Natural Gas in Exchange for Time [online]. Available from: https://web.archive.org/web/20070930165307/http://www.kommersant.com/p705319/r_500/Natural_Gas_in_Exchange_for_Time/ [accessed 24 March 2023]
[2] Letman, J. (2011). ‘Saving Shambala from a Russia-China pipeline’, Al Jazeera, 7 December. Available at: https://www.aljazeera.com/opinions/2011/12/7/saving-shambala-from-a-russia-china-pipeline/ [accessed 24 March 2023]
[3] Roy, M. and Kumar, A. (2023). ‘Mongolia to decide on gas pipeline route after Russia-China cost agreement’, Reuters, 15 March. Available at: https://www.reuters.com/business/energy/mongolia-decide-gas-pipeline-route-after-russia-china-cost-agreement-2023-03-15/ [accessed 24 March 2023]
[4] Kemp, J. (2022). ‘Column: China’s reliance on gas imports threatens security’, Reuters, 10 October. Available at: https://www.reuters.com/business/energy/chinas-reliance-gas-imports-threatens-security-kemp-2022-10-07/ [accessed 24 March 2023]
[5] Mills, A. and El Dahan, M. (2022). ‘Qatar seals 27-year LNG deal with China as competition heats up’, Reuters, 22 November. Available at: https://www.reuters.com/business/energy/qatarenergy-signs-27-year-lng-deal-with-chinas-sinopec-2022-11-21/ [accessed 24 March 2023]
[6] Chow, E. and Aizhu, C. (2023). ‘China Gas Holdings signs two 20-year LNG supply deals with Venture Global’, Reuters, 24 February. Available at: https://www.reuters.com/business/energy/china-gas-holdings-signs-two-20-year-lng-supply-deals-with-venture-global-2023-02-24/ [accessed 24 March 2023]
[7] Lindberg, S. K. and Stapczynski, S. (2023). ‘Xi Aligns With Putin Against US, But Hesitates on Gas Deal’, Bloomberg, 22 March. Available at: https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-03-22/xi-aligns-with-putin-against-us-but-hesitates-on-big-gas-deal [accessed 24 March 2023]
[8] Kremlin. (2023). Совместное заявление Президента Российской Федерации и Председателя Китайской Народной Республики о плане развития ключевых направлений российско-китайского экономического сотрудничества до 2030 года [online]. Available from: http://kremlin.ru/supplement/5919 [accessed 24 March 2023]
[9] Kagaltynov, .E (2023). ‘Россия и Китай согласовали почти все параметры соглашения о газопроводе «Сила Сибири-2»’, Kommersant, 21 March. Available from: https://www.kommersant.ru/doc/5888105 [accessed 24 March 2023]
[10] ТАСС. (2023). Россия надеется заключить контракт поставок в КНР по "Силе Сибири - 2" до конца года [online]. Available from: https://tass.ru/ekonomika/17353605 [accessed 24 March 2023]
[11] Quốc vụ Viện Trung Quốc. (2023). 2022年我国原油产量2.04亿吨 今年将继续推动油气增产增供 [online]. Available from: http://www.gov.cn/xinwen/2023-02/08/content_5740576.htm [accessed 24 March 2023]
[12] CNPC. (2023). 天然气首现消费总量和消费结构双负增长 [online]. Available from: http://news.cnpc.com.cn/system/2023/02/08/030092836.shtml [accessed 24 March 2023]
[13] Энергетическая Политика (2023). Российский ТЭК 2022: вызовы, итоги и перспективы [online]. Available from: https://energypolicy.ru/rossijskij-tek-2022-vyzovy-itogi-i-perspektivy/business/2023/12/13/ [accessed 24 March 2023]
CÁI ĐƯỜNG ỐNG TẤT CẢ ĐANG BÀN TÁN
Linh thường nghiên cứu thông tin kinh tế Trung Quốc ở đâu vậy ạ? Có thể chia sẻ cho độc giả được không