Dân số Trung Quốc sụt giảm, chưa phải vấn đề quá lớn
Dân số Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong năm 2022 là một dấu đáng quan ngại, nhưng nó không tệ như nhiều người lo ngại, và nó thậm chí là một cơ hội để Trung Quốc cải cách cấu trúc kinh tế của mình.
Vấn đề của dân số giảm
Trước tiên, cần lưu ý rằng, việc dân số Trung Quốc giảm trong năm 2022, một phần là do tác động từ dịch Covid-19. Dù vậy, nếu không phải năm nay, thì dân số Trung Quốc cũng sẽ giảm trong thập kỷ tới. Tỷ lệ sinh (fertility rate – số trẻ em sinh ra trên số phụ nữ) của Trung Quốc đang ở mức rất thấp. Theo số thống kê năm 2020 thì tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 1.3. Mình chưa có con số chính thức cho năm 2022, nhưng theo một số nguồn là từ 1.15[1] cho đến 1.1[2]. Theo OECD, tỷ lệ sinh cần phải đạt mức 2.1 để có thể duy trì số lượng dân số không đổi. Nói cách khác, với tỷ lệ sinh quanh mức 1.1, dân số Trung Quốc sẽ giảm, nếu không trong năm 2022 thì cũng là vài năm sau đó.
Có ý kiến cho rằng, dân số Trung Quốc chưa giảm, mà chỉ đang trong giai đoạn tạo đỉnh (số dân vẫn tăng, nhưng với tốc độ chậm - plateauing). Điều này đúng, nếu chúng ta loại bỏ ảnh hưởng từ dịch Covid, dân số Trung Quốc trong năm 2022 có thể vẫn tăng nhẹ. Nói một cách khách quan, một năm suy giảm dân số chưa thể khẳng định đây sẽ là một xu thế dài hạn, thế nhưng, nguy cơ là rõ ràng.
Chỉ riêng con số tốc độ sinh không nói lên toàn cảnh vấn đề. Đầu tiên, là dân số giảm, cùng với văn hóa trọng nam khinh nữ cố hữu của Trung Quốc (nói riêng và châu Á nói chung), khiến số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm. Theo số liệu của Ủy ban Phát triển và Cải cách Trung Quốc (NDRC), trong 2022, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) tại Trung Quốc giảm hơn 4 triệu người so với năm 2021, trong đó phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (21 - 35) giảm gần 5 triệu người[3].
Mặt khác, làn sóng di dân từ nông thôn ra thành thị cũng có ảnh hưởng. Tỷ lệ sinh của phụ nữ tại các thành phố lớn cũng thấp hơn so với nông thôn. Ví dụ như tỷ lệ sinh của Thượng Hải năm 2022 chỉ là 0.7[4], dân số tại các thành phố lớn của Trung Quốc vẫn tăng trong năm qua, nhưng là do làn sóng di cư, thay vì sinh đẻ.
Nói chung, văn hóa trọng nam khinh nữ và làn sóng di dân sẽ củng cố tốc độ giảm của tỷ lệ sinh, khi nó làm giảm cả những người có khả năng sinh con và cả những người muốn sinh con.
Có rất nhiều lý do cho việc tỷ lệ sinh giảm, đặc biệt là tại thành thị. Theo đuổi các mục tiêu khác (học tập, làm việc…) khiến giới trẻ kết hôn muộn hơn, sinh con muộn hơn, lỡ mất khoảng thời gian vàng cho việc sinh đẻ. Quan điểm về việc có con cũng khác, giới trẻ ngày nay muốn dành nguồn lực cho bản thân nhiều hơn, dẫn đến sinh ít con, thậm chí không sinh con. Đối với cha mẹ họ, việc sinh con là một việc đương nhiên, không thể tránh khỏi. Cuối cùng, là chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dưỡng một đứa trẻ là một gánh nặng. Tổng chi phí để nuôi một đứa trẻ đến 18 tuổi tại Trung Quốc đang ở mức 6.9 lần GDP bình quân đầu người, cao nhất thế giới, so với Mỹ là 4.11 lần, Nhật là 4.26 lần, Pháp là 2.24 và Australia là 2.08[5].
Việc từ bỏ chính sách một con, khuyến khích hai con và sau đó là ba con không tỏ ra có tác dụng. Chúng ta biết rõ điều này vì Trung Quốc đã chính thức từ bỏ chính sách một con từ cuối năm 2015, nhưng đến 2022, dân số Trung Quốc vẫn giảm. Gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh các chính sách khuyến khích sinh đẻ, nhưng không rõ, liệu những động lực này có thể đảo ngược quá trình hay không.
Vấn đề của lao động
Theo lý thuyết thông thường, dân số giảm, trước tiên, sẽ khiến lực lượng lao động sụt giảm. Cũng theo số liệu của NDRC, dân số trong độ tuổi lao động (16 – 59) giảm 6.66 triệu người. Đối với một nước có nền kinh tế nặng về sản xuất như Trung Quốc, lực lượng lao động suy giảm có thể sẽ là vấn đề lớn. Nhưng thực tế không nhất thiết như vậy.
Riêng về vấn đề lao động, có một số biện pháp mà Trung Quốc có thể thực hiện. Phương án dễ dàng nhất để giải quyết vấn đề số lượng lao động, là bằng việc tăng cường năng suất lao động. Trên thực tế, việc tự động hóa đã được áp dụng rất rộng rãi tại Trung Quốc, ngay cả những nhà máy nhỏ hay xưởng sản xuất tư nhân cũng đã có thể ứng dụng tự động hóa ở một mức độ nào đó.
Giải pháp thứ hai, là nhập cư. Các nước phát triển khác tại Đông Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, đều giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động bằng lao động nhập cư. Tuy nhiên, phần lớn là lao động theo dạng hợp đồng ngắn hạn mà không cho nhập quốc tịch hoàn toàn. Điều này có thể giải thích là do những nước này muốn tận dụng sức lao động nhưng không muốn các gánh nặng xã hội khi lực lượng này về già. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, chúng ta không, hoặc chưa thấy hiện tượng này. Việc di dân hiện nay ở Trung Quốc chỉ diễn ra nội địa, từ nông thôn lên thành thị mà chưa có yếu tố nước ngoài.
Tóm lại, riêng về vấn đề thiếu hụt lao động do sụt giảm trong với tốc độ tăng trưởng dân số của Trung Quốc hiện nay, vẫn có thể giải quyết được bằng việc thúc đẩy năng suất thông qua tự động hóa. Miễn là tốc độ tự động hóa bắt kịp tốc độ suy giảm của tăng trưởng dân số, thì mọi chuyện vẫn ổn.
Vấn đề của tiêu dùng
Tiêu dùng là một góc độ khác chịu ảnh hưởng của dân số giảm. Dân số lớn là một trong những căn cứ để Trung Quốc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế từ trọng xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa, nhưng dân số giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu này. Giải pháp cho vấn đề này có vẻ khá rõ ràng, là nâng cao thu nhập của người dân để bù trừ cho sự sụt giảm dân số.
Nếu chỉ nhìn vào số liệu thu nhập trên đầu người, thì Trung Quốc đã giàu lên khá nhiều trong nhưng năm qua. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê năm 2021 của Trung Quốc thì nước này vẫn có khoảng 600 triệu người bị xếp hạng thu nhập thấp, có mức thu nhập khả dụng trung bình dưới 2,000 tệ/tháng[6].
Mặt khác, dù Trung Quốc hiện tại có quy mô sản xuất công nghiệp lớn nhất thế giới, hay như chúng ta hay nói, là công xưởng của thế giới. Tuy nhiên, nhiều việc làm trong khu vực công nghiệp này là những công việc đòi hỏi sức lao động, ít kỹ năng và lương thấp (low-end manufacturing). Chính sách chú trọng tăng trưởng kinh tế, kìm hãm thu nhập của người lao động để thu hút vốn đầu tư sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài, đã hạn chế thu nhập và khả năng chi tiêu của người dân.
Nỗ lực nâng thu nhập của người dân, đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải loại bỏ các công việc thu nhập thấp và thay thế chúng bằng những công việc đòi hỏi kỹ năng cao nhưng thu nhập tốt hơn. Tức là thay thế công nhân bằng máy móc trong những công việc này, hoặc đơn giản là loại bỏ chúng. Đổi lại, người công nhân sẽ phải học tập và nâng cao kỹ năng cao hơn nhưng trả lương tốt hơn, ví dụ trong những lĩnh vực như sản xuất oto, hàng không hay bán dẫn…
Khi dân số còn tăng nhanh, áp lực đối với chính phủ phải liên tục tạo ra các việc làm mới khiến cho việc nâng hạng của hoạt động sản xuất sẽ khó khăn hơn. Còn bây giờ, khi mà dân số tăng chậm, Trung Quốc sẽ có cơ hội trong một khoảng thời gian tầm chục năm để nâng cao chất lượng người lao động và từ nó nâng cao thu nhập của họ.
Như vậy, Trung Quốc sẽ buộc phải đánh đổi, trong việc chấp nhận gỡ bỏ các biện pháp ưu đãi doanh nghiệp sản xuất, để thúc đẩy thu nhập của người lao động. Chỉ có điều, liệu tốc độ tăng trưởng thu nhập của người lao động có đủ nhanh để bù đắp cho sự suy giảm về dân số hay không.
Tổng kết lại, tốc độ tăng trưởng dân số của Trung Quốc chậm lại là một dấu hiệu đáng ngại, nhưng trong thập kỷ tiếp theo, nó chưa phải là quá nghiêm trọng. Trong thập kỷ này, là cơ hội để Trung Quốc loại bỏ những hoạt động sản xuất tay nghề thấp để chuyển dịch sang những ngành công nghiệp công nghệ cao hơn, giúp nâng cao thu nhập của người dân và nhu cầu nội địa, cũng như vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù vậy, Trung Quốc vẫn cần phải ngăn chặn việc suy thoái dân số, ít nhất là duy trì trạng thái plateauing.
[1] State Information Center (2023). 我国人口走势及在全球格局中的变化. Available at: http://www.sic.gov.cn/News/455/11774.htm [accessed 08 April 2023]
[2] 美中故事汇 (2023). 易富贤:中国2022年人口统计给我们的启示. Available at: https://meizhong.report/2023/03/03/yfx-62476/ [accessed 08 April 2023]
[3] 中华人民共和国国家发展和改革委员会 (2023). 数据概览:2022年人口相关数据. Available at: https://www.ndrc.gov.cn/fgsj/tjsj/jjsjgl1/202301/t20230131_1348088.html [accessed 08 April 2023]
[4] CCTV (2023). 为何这些城市的人口增长能够“逆流而上”. Available at: https://news.cctv.com/2023/03/10/ARTIApBtSYIUd1slxPyF02G3230310.shtml [accessed 09 April 2023]
[5] 泽平宏观 (2023). 中国人口形势报告2023:鼓励生育刻不容缓. Available at: https://www.sohu.com/a/641349954_467568 [accessed 09 April 2023]
[6] 网易首页 (2021). 2021中国统计年鉴见真相:低收入群体不是一般的大. Available at: https://www.163.com/dy/article/GQAFNOQI0552IB2B.html [accessed 09 April 2023]
Cap Finance Social Media: