Những đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn gần đây dường như khá mới lạ với phần đông mọi người. Tuy nhiên, đây không phải là cuộc chiến công nghệ đầu tiên của Mỹ. Trong thập niên 1980 của thế kỷ trước, Mỹ cũng đã có một cuộc chiến tương tự, và đã thua đến mức thân bại danh liệt.
Quay trở lại thập niên 1960, Mỹ sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, buộc phải cắt giảm viện trợ kinh tế cho các đồng minh của mình tại châu Á, trong đó có Nhật Bản, Đài Loan, Philippine… Tuy vậy Mỹ vẫn cần phải tìm kiếm một cách nào đó để hỗ trợ cho những đồng minh của mình, trong nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng của làn sóng Xã hội Chủ nghĩa đang lan rộng trong khu vực vào thời điểm đó.
Trùng hợp thay, những nước đồng minh của Mỹ trong khu vực lại có một thứ mà các nhà sản xuất của Mỹ đang rất cần. Đó chính là nhân công giá rẻ. Vì vậy, các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có hai công ty sản xuất mạch tích hợp lớn nhất lúc đó là Fairchild và Texas Instruments, bắt đầu đổ xô sang các nước Đông Á và Đông Nam Á để mở các nhà máy gia công, sản xuất, trong đó Nhật Bản.
Nhật Bản
Bản thân Nhật Bản cũng có cách tiếp cận khá chủ động đối với ngành công nghiệp bán dẫn. Giai đoạn ngay sau chiến tranh, nước Mỹ can thiệp sâu vào các vấn đề nội bộ của Nhật Bản, nhưng đồng thời cũng mang đến những tiến bộ mới về công nghệ cho đất nước này, trong đó có công nghệ bán dẫn. Người Nhật ngay lập tức cảm thấy hứng thú và nhận thấy tiềm năng của công nghệ này. Vì vậy, họ đã chủ động sang Mỹ để mua bản quyền những công nghệ này để sản xuất tại quê nhà. Thái tử Nhật Bản còn đích thân sang Mỹ để thăm quan các cơ sở nghiên cứu.
Ban đầu, nước Mỹ khá dè dặt trong việc chuyển giao cho Nhật Bản những công nghệ hiện đại của mình. Nhưng cuối cùng, Mỹ kết luận rằng, một nước Nhật giàu có sẽ tốt hơn là một nước Nhật nghèo đói, việc có thể kích thích chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ trở lại. Mặt khác, người Nhật cũng biết cách xoa dịu những lo lắng của Mỹ, luôn cho người Mỹ thấy họ giỏi hơn người Nhật. Bởi vậy, các công ty Mỹ trở nên khá thoải mái trong việc chuyển giao công nghệ cho Nhật Bản.
Nhật Bản bên cạnh những lợi thế rõ ràng như giá nhân công rẻ và hiệu suất làm việc cao, các công ty Nhật cũng nhận được nhiều hỗ trợ của chính phủ. Cho đến năm 1974, Nhật Bản áp dụng hạn ngạch nhập khẩu đối với các sản phẩm chip bán dẫn từ Mỹ, cho phép các công ty Nhật thỏa sức tung hoành ở thị trường nội địa mà không lo cạnh tranh.
Chính phủ Nhật Bản cũng có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các công ty hợp tác, xây dựng chương trình nghiên cứu quốc gia VLSI cho ngành bán dẫn, mà trong đó chính phủ Nhật tài trợ một nửa kinh phí.
Các công ty Nhật được tiếp cận vốn với chi phí rẻ hơn rất nhiều, với mức lãi suất chỉ từ 7% tới 8%. Trong khi đó, các công ty Mỹ phải trả tới 18% lãi vay, và đến những năm 1980, con số này lên tới 21.5% khi FED quyết tâm chống lạm phát.
Với khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, các công ty Nhật Bản đầu tư mạnh tay hơn so với các đối thủ Mỹ, sẵn sàng chịu thua lỗ trong thời gian dài để chiếm được thị phần. Trong thập niên 1980, các công ty Nhật Bản đầu tư vào trang thiết bị sản xuất cao hơn 60% so với Mỹ. Năm 1985, Nhật Bản chi tới 46% tổng Capex của ngành bán dẫn toàn cầu, còn Mỹ chỉ có 35%. Sang đến năm 1990, con số này của Nhật đã lên tới 50%.
Tất nhiên, không thể không kể đến việc ăn cắp công nghệ. Vấn đề ăn cắp sở hữu trí tuệ từ lâu đã là vấn nạn trong ngành bán dẫn, khi các kỹ sư giỏi nhảy việc giữa các hãng công nghệ, khó tránh khỏi những người này mang thông tin, kinh nghiệm từ công ty cũ sang các công ty mới. Đối với các công ty Mỹ, việc này rất khó chứng minh và những vụ kiện thường không đi đến đâu. Nhưng FBI đã thành công khi thực hiện một vài vụ bắt giữ liên quan đến hành vi ăn cắp công nghệ của các công ty Nhật Bản.
Ban đầu, các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ tập trung vào việc sản xuất các thiết bị điện tử dân dụng mà nước này còn thiếu, và tranh thủ những thị trường ngách mà các công ty Mỹ bỏ ngỏ. Nhờ những lợi thế kể trên, các doanh nghiệp Nhật Bản liên tục mở rộng sản xuất, và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra những sản phẩm có thể cạnh tranh thẳng vào thị trường Mỹ. Song song với đó thì các công ty Nhật cũng leo thang trên chuỗi giá trị, sản xuất được những sản phẩm cốt lõi hơn, có hàm lượng công nghệ cao hơn
Bộ mặt của ngành công nghệ bán dẫn Nhật Bản nói riêng và ngành công nghiệp điện điện tử của nước này nói chung thay đổi chóng mặt chỉ trong vòng 20 năm. Từ chỗ là một nước chuyên sản xuất hàng điện tử giá rẻ, Nhật Bản đã tạo ra được những sản phẩm tương tự như Mỹ nhưng có chất lượng tốt hơn.
DRAM
Nạn nhân đầu tiên của sự vươn lên của Nhật Bản là DRAM. Được phát minh bởi Robert Dennard của IBM và được Intel đưa vào sản xuất hàng loạt. Đến thập kỷ 80, ngoài Intel và Texas Instruments, hai công ty Nhật Bản khác cũng đã sản xuất được DRAM là Toshiba và NEC.
Richard Anderson, một lãnh đạo của HP phụ trách kiểm soát chất lượng của các linh kiện cho máy móc của hãng đã thực hiện thử nghiệm so sánh sản phẩm chip của các hãng sản xuất của Mỹ và Nhật Bản. Kết quả cho thấy rằng, tỷ lệ hỏng hóc của chip Nhật Bản trong 1000 giờ hoạt động đầu tiên không vượt quá 0.02% trong khi của Mỹ là 0.09%. Con chip tệ nhất của Mỹ có tỷ lệ hỏng lên tới 0.26%, cao gấp 10 lần con chip tệ nhất của Nhật Bản. Nói chung, Nhật Bản làm ra được những sản phẩm có chức năng tương tự, với giá tương tự, nhưng ít hỏng hơn so với hàng Mỹ.
Kết cục dẫn đến là phần lớn những công ty sản xuất DRAM của Mỹ bị đối thủ Nhật Bản chiếm hết thị phần và buộc phải đóng cửa. Ngay cả gã khổng lồ công nghệ của Mỹ là Intel cũng chỉ còn 1.7% thị phần. Ngược lại, thị phần DRAM của các công ty Nhật tăng liên tục không ngừng trong cả thập kỷ 1980.
Công nghệ lõi
Các công ty Mỹ cũng bị đẩy lùi trong mảng sản xuất công nghệ lõi, là các máy móc phục vụ cho quá trình quang khắc, sản xuất chip. Những công ty Nhật như Nikon, Canon ban đầu chỉ đóng vai trò gia công, cung cấp thấu kính chất lượng cao cho gã khổng lồ trong ngành là GCA của Mỹ.
Nhưng sau đó những hãng này cũng nhảy vào việc chế tạo máy. Với những lợi thế sẵn có cùng với việc lắng nghe khách hàng và liên tục cải tiến sản phẩm, Nikon và Canon dần dần bào mòn thị phần của GCA và đẩy hãng này đến phá sản, bất chấp những hỗ trợ của chính phủ và toàn ngành bán dẫn Mỹ. Đến tận ngày nay, Nikon và Canon vẫn là hai nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip quan trọng của thị trường.
Đến cuối thập niên 80, Nhật Bản sản xuất 70% các thiết bị quang khắc toàn cầu, trong khi Mỹ chỉ còn chiếm 21%.
Sự chống trả của Mỹ
Trước thế thượng phong của các doanh nghiệp Nhật Bản, các công ty Mỹ tập hợp nhau lại để tìm kiếm kế sách. Việc đầu tiên họ làm là thành lập Hiệp hội ngành bán dẫn (SIA) để vận động hành lang với Washington để hỗ trợ ngành. Chiến lược của SIA là đặt ngành bán dẫn vào vị thế chiến lược, tương tự như dầu mỏ, thứ có ảnh hưởng quyết định tới vị thế của nước Mỹ, nhằm gây sức ép và thuyết phục chính phủ Mỹ đưa ra những chính sách hỗ trợ cho ngành.
Sau các buổi điều trần với lãnh đạo những công ty bán dẫn lớn, Quốc hội Mỹ đồng ý cắt giảm thuế trên thặng dư vốn từ 49% xuống còn 28% cũng như nới lỏng các quy định về đầu tư của các quỹ hưu trí vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, cho phép dòng vốn đầu tư đổ vào ngành bán dẫn. Luật bảo vệ sở hữu trí tuệ cũng được thắt chặt thông qua bộ luật Semiconductor Chip Protection.
Với sự thuyết phục của Bộ Quốc phòng và nỗ lực vận động hành lang của các CEO ngành bán dẫn, chính quyền Tổng thống Reagan đã gây sức ép với chính phủ Nhật Bản để mở cửa thị trường nước này cho chip Mỹ, nếu không sẽ bị áp thuế. Dưới sức ép của chính phủ Mỹ, Nhật Bản cuối cùng đã chịu hạn chế xuất khẩu chip sang Mỹ cũng như mở cửa thị trường nội địa cho chip Mỹ. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, phần lớn các công ty chip Mỹ đã chấp nhận thất bại trong cuộc chiến bán dẫn với Nhật Bản, bắt đầu cắt giảm hoạt động kinh doanh và chuẩn bị đóng cửa. Chỉ còn vài công ty lớn còn có thể tồn tại và cố gắng giữ lại thị phần của mình.
Nước Mỹ sau cùng có thể thở phào đôi chút khi nền kinh tế Nhật Bản bất ngờ rơi vào khủng hoảng vào đầu thập kỷ 90. Lợi thế chi phí vốn giá rẻ của các doanh nghiệp Nhật Bản đột ngột biến mất, khiến cho việc mở rộng sản xuất bất thấp thua lỗ của Nhật Bản không thể tiếp tục duy trì. Nhờ đó mà các công ty Mỹ còn tồn tại có thể lấy lại được đôi chút thị phần trong thị trường chip DRAM cũng như tranh thủ chiếm lĩnh một thị trường hoàn toàn mới: máy tính cá nhân. Dù vậy, Mỹ không thể khôi phục được phần lớn những gì đã mất trên thị trường bán dẫn trong thập niên 1980.
Cường quốc số 2
Ngay trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế vào năm 1991, Nhật Bản đã trải qua hơn 40 năm phát triển kinh tế thần kỳ. GDP của Nhật đã đứng vị trí thứ hai thế giới và được dự báo sẽ sớm vượt qua Mỹ. Thị trường chứng khoán tăng điểm liên tục, giá bất động sản cũng tăng đều. Dường như không có gì có thể cản bước được Nhật Bản.
Lĩnh vực điện điện tử của Nhật Bản là niềm tự hào của nước này, với nhiều sản phẩm chất lượng cao, giá cả phải chăng. Và hơn nữa, các doanh nghiệp Nhật Bản còn đánh bại Mỹ trên chính sân chơi do họ tạo ra. Vào cuối những năm 1980, Mỹ chỉ còn một công ty bán dẫn sản xuất chip DRAM còn có thể trụ lại thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị quang khắc cũng mất phần lớn thị phần vào tay Nhật Bản và ASML của Hà Lan.
Những thắng lợi về mặt kinh tế và công nghệ làm nhen nhóm một tư tưởng mới trong xã hội Nhật Bản. Năm 1989, chính trị gia cực hữu Shintaro Ishihara xuất bản cuốn sách có tựa đề “The Japan That Can Say No: Why Japan Will Be First Among Equals”, gây shock với người Mỹ. Cuốn sách này kêu gọi “kiềm chế nước Mỹ”, muốn Nhật Bản độc lập hoàn toàn khỏi sự kiểm soát của Mỹ, viết lại Hiến Pháp để Nhật có thể xây dựng lại quân đội.
Điều gây shock với người Mỹ hơn cả, không phải là nội dung, mà là việc nhà sáng lập Sony Akio Morita đứng tên đồng tác giả của cuốn sách.
Nhưng tất cả những điều đó đột ngột biến mất sau năm 1991. Khủng hoảng kinh tế khiến tăng trưởng tín dụng đình trệ, các doanh nghiệp bán dẫn Nhật mất đi khả năng tiếp cận với một trong những lợi thế lớn nhất của họ, từng cho phép những công ty này mở rộng sản xuất bất chấp thua lỗ, đơn giản vì họ có thể tồn tại lâu hơn đối thủ.
Người Nhật cũng không tận dụng được những lợi thế trong thập kỷ 1980 để tạo tiền đề cho những tiến bộ kỹ thuật tiếp theo. Trong khi tập trung sản xuất DRAM, người Nhật bỏ lỡ sự tăng trưởng của thị trường cho bộ nhớ NAND, loại công nghệ do chính họ (kỹ sư Fujio Masuoka của Toshiba) phát minh, cũng như bỏ lỡ sự bùng nộ của thị trường máy tính cá nhân. Sự xuất hiện của PC và phần mềm mở ra một thị trường hoàn toàn mới cho các doanh nghiệp bán dẫn, CPU, những con chip logic đa dụng, có thể tính toán mọi bài toán mà phần mềm yêu cầu.
Cuộc chiến bán dẫn thứ Hai
Khi quan sát lại lịch sử, chúng ta nhận thấy rất nhiều sự tương đồng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, không chỉ trong vấn đề bán dẫn mà còn kinh tế nói chung.
Trong giai đoạn 1980, các chính sách bảo vệ ngành bán dẫn của Mỹ đối với Nhật Bản khá ôn hòa. Vì dù sao, Nhật Bản vẫn là đồng minh của Mỹ, có vị trí quan trọng trong chính sách châu Á của Mỹ. Vì vậy, phản ứng của Mỹ chỉ dừng lại ở việc đe dọa, còn đâu vẫn được giải quyết bằng đàm phán. Nhật Bản vẫn có thể tiếp cận và xử dụng các công nghệ Mỹ, vấn đề chỉ nằm ở vấn đề thương mại và khả năng tiếp cận thị trường. Xét cho cùng, vào thời điểm đó, ngành bán dẫn không phải là lĩnh vực duy nhất của Mỹ bị đe dọa bởi sự vươn lên của Nhật Bản.
Trong khi đó, hiện nay, Mỹ đang coi Trung Quốc là đối thủ có khả năng làm suy yếu tầm ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ trên toàn cầu. Vì vậy mà Mỹ đang huy động gần như tất cả các nguồn lực có thể, để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ tiên tiến của ngành bán dẫn. Không chỉ trong một thị trường nào đó, như DRAM, NAND hay chip logic, mà toàn bộ, với trung tâm là công nghệ quan khắc, thứ không thể thiếu trong quá trình sản xuất chip.
Tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp Mỹ đã suy giảm rất nhiều so với thể kỷ trước, nhưng họ vẫn nắm những công nghệ lõi, và khả năng tác động ngoại giao với Hà Lan và Nhật Bản, những nước chia sẻ thị trường thiết bị quang khắc với Mỹ.
Vậy thì, liệu nước Mỹ có thua một lần nữa?