GIÁ DẦU ĐI VỀ ĐÂU (đến cuối năm 2023)
Quay trở lại cuối năm 2022, Trung Quốc gỡ bỏ Zero-Covid, mở cửa trở lại sau một thời gian đồn đoán của thị trường, nhưng giá dầu không tăng, thậm chí còn mấy lần ngấp nghé xuống 70. OPEC+ quyết định cắt giảm hạn mức tới 2 triệu thùng/ngày, nhưng giá vẫn quyết không tăng, thậm chí còn giảm mạnh.
Từ đó đến giờ thị trường rơi vào tình trạng mông lung, lệnh cấm nhập niên liệu Nga của châu Âu có hiệu lực, kinh tế Trung Quốc không phục hồi như kỳ vọng, Nga cắt giảm sản lượng đi nửa triệu thùng/ngày, FED thì tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Còn giá dầu vẫn không tăng.
Vấn đề lớn nhất lúc đó của thị trường dầu là cấu trúc forward curves đang là contango. Trong cấu trúc contango, giá của các hợp đồng kỳ hạn xa cao hơn các kỳ hạn gần. Khi càng đến gần ngày đáo hạn, các hợp đồng kỳ hạn sẽ giảm về gần với giá giao ngay hơn. Điều này đồng nghĩa với việc nắm giữ hàng vật chất sẽ không có lợi, do các chi phí liên quan (cost-of-carry), dẫn đến lực mua giảm, thặng dư của thị trường dầu sẽ tăng. Nếu không có gì thay đổi thì thặng dư sẽ ngày càng tăng vì, cầu không tiêu thụ hết sản lượng khai thác mới, thì cung sẽ ngày càng thặng dư do tồn kho còn lại. Những chuyển biến này càng đẩy giá dầu đi xuống. Thế nên OPEC+ cần phải tiếp tục cắt giảm sản lượng, sao cho những dự báo cung cầu sẽ cho thấy thặng dư thị trường sẽ thu hẹp dần, tức cầu phải tiêu thụ, ít nhất là hết hoặc nhiều hơn sản lượng khai thác hàng ngày. Khi đó, thị trường sẽ chuyển sang trạng thái backwardation. Trong trạng thái này thì giá kỳ hạn xa sẽ thấp hơn các kỳ hạn gần, vì nguồn cung trong tương lai có xu hướng thu hẹp, thúc đẩy người mua nắm giữ nhiều hàng vật chất hơn.
Vì vậy, dẫn tới việc OPEC+ tiếp tục tuyên bố cắt giảm tự nguyện thêm 1.2 triệu thùng/ngày ngay trong đầu tháng 04. Trong cấu trúc backwardation, các seller sẽ có lợi vì giá càng ngày sẽ càng được đẩy lên cao. Còn các buyer sẽ có xu hướng mua dầu ở các kỳ hạn xa để đảm bảo nguồn cung cho mình. Kỳ vọng thặng dư thị trường thu hẹp càng nhiều thì lực mua càng mạnh và backwardation càng dốc.
Tuy nhiên, nếu giá tăng quá nhanh thì sẽ ảnh hưởng đến lực cầu và lạm phát, việc sẽ kích hoạt những động thái của FED. Vì vậy, OPEC+ sẽ cần căn ke hoạt động khai thác để cấu trúc thị trường tiếp tục trong backwardation nhưng với độ dốc hợp lý. Việc này hiện tại sẽ được thực hiện chủ yếu qua việc thay đổi giá bán dầu chính thức OSP của các nước vùng Vịnh, vì các cuộc họp chính sách của OPEC+ đã thưa hơn so với trước. Cuộc họp gần nhất là vào tháng 06, sẽ là lần điều chỉnh đáng kể tiếp theo.
Xu hướng giá nhìn chung từ nay đến cuối năm là tăng, xập xình điều chỉnh ở giữa thì tùy tình hình mỗi giai đoạn, trước mắt mục tiêu khả dĩ là vùng 92 - 95. Mốc 100 là có thể vào quý IV nếu Trung Quốc có thể thực sự vực dậy hoạt động kinh tế. Những số liệu xuất khẩu trong tháng 03 chủ yếu đến từ các biện pháp trợ giá của chính phủ nhằm thúc đẩy xuất khẩu chứ chưa phải là sự phục hồi thật sự.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc cũng tăng, nhưng xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu còn tăng mạnh hơn, chứng tỏ Trung Quốc nhập về chủ yếu để lọc dầu bán. Nhu cầu nhiên liệu thực sự của nội địa, chưa thể đánh giá chính xác, khi thiếu mất con số tồn kho, nhưng mình cho rằng nếu tăng cũng không quá nhiều. PPI của Trung Quốc đã giảm 6 tháng liên tiếp cho thấy nhu cầu hàng hóa của nước này không đủ để kéo PPI lên, tức hoạt động sản xuất đã hoặc sẽ gặp vấn đề.
Nói về phân tích kỹ thuật, xin phép chôm cái chart của idol Lee BK để minh họa cho anh chị em.
P/s: Lưu ý rằng mốc 100 sẽ là mốc không bền do Trung Quốc sẽ khó có thể hài lòng với mức giá dầu cao như vậy, và sẽ can thiệp.