Mùa xuân nào cho Trung Quốc
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tái khẳng định mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế của nước này trong cuộc họp Quốc vụ viện ngay sau Tết Nguyên đán. Nhưng động lực nào sẽ giúp chuyển đổi thành công
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu trong cuộc họp của Quốc vụ viện Trung Quốc rằng: “Tiềm năng lớn nhất của kinh tế Trung Quốc nằm ở sức tiêu thụ của 1.4 tỷ dân”, theo văn bản được công bố hôm 27/01/2023. “Thúc đẩy tiêu dùng là bước then chốt để tăng cường nhu cầu trong nước. Chúng ta phải khôi phục vai trò then chốt của tiêu dùng trong nền kinh tế”
Trong nửa năm qua, chính phủ Trung Quốc cũng như các chuyên gia kinh tế của nước này khẳng định việc thúc đẩy nhu cầu nội địa là chìa khóa cho sự tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc.
Nhưng họ có thể làm điều đó bằng cách nào?
Từ thời cải cách đến nay
Mặc dù một số sẽ có ý kiến khác, nhưng cơ sở cho đà tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc trong những năm qua là dựa trên đầu tư. Trước tiên, là đầu tư của chính phủ để phát triển cơ sở hạ tầng, từ đó tiếp tục thu hút vốn đầu tư sản xuất.
Đây là một chiến lược hoàn toàn hợp lý. Vào thời điểm Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa, nền kinh tế nước này gần như không có gì, và việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng là bước đi cần thiết để thu hút những cơ hội sẵn có thời điểm đó. Chiến lược này đã mang về cho Trung Quốc nguồn vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ kỹ thuật và nhiều lợi ích từ bên ngoài. Với mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá, phần lớn những gì Trung Quốc đạt được đều được đầu tư ngược trở lại vào cơ sở hạ tầng.
Chiến lược này mang lại tốc độ tăng trưởng thần kỳ cho Trung Quốc trong nhiều năm qua, và đồng thời, mang lại một lượng của cải rất lớn cho một bộ phận xã hội, những đối tượng có liên quan đến cơ sở hạ tầng và bất động sản, như chính quyền địa phương, ngân hàng, công ty xây dựng và giới đầu cơ bất động sản.
Giờ đây, bộ phận này trở thành một trở ngại lớn cho Bắc Kinh trong việc chuyển đổi mô hình phát triển. Họ, tất nhiên, không thể chống lại ý chí của chính phủ, nhưng những vấn đề của họ sẽ trở thành vấn đề của nền kinh tế. Nhưng tạm thời gác lại chuyện này ở đây.
Theo quy tắc lợi ích cận biên giảm dần, những lợi ích mà đầu tư cơ sở hạ tầng không còn mang lại nhiều cơ hội như trước. Vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế là bắt buộc. Việc chọn chuyển hướng sang tiêu dùng nội địa cũng có thể coi là chiến lược hợp lý. Câu chuyện còn lại là làm như thế nào.
Tiền trong dân
Câu chuyện lên xu hướng trong thời gian gần đây là khoản tiền 18 nghìn tỷ của dân Trung Quốc. Chính xác hơn, là trong năm 2022, lượng tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình Trung Quốc tăng thêm gần 18 nghìn tỷ. Nếu chỉ tính riêng tổng tiền gửi hộ gia đình của Trung Quốc, chúng ta có 121.21 nghìn tỷ NDT trong năm 2022. Trong khi đó, số liệu sơ bộ GDP cùng kỳ là 121.02 nghìn tỷ. Tức là tiết kiệm hộ gia đình của Trung Quốc đã đạt hơn 100% GDP. Một số người cho rằng nếu chỉ cần dùng 20% số tiền này với đòn bẩy phù hợp, cũng có thể đẩy GDP Trung Quốc tăng gấp đôi.
Tiến sĩ Vương Vĩnh Lợi, cựu Phó Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của Bank of China, ngân hàng lớn nhất Trung Quốc (chắc là sẽ uy tín hơn mấy người du lịch Trung Quốc 2 tuần), nhận định rằng, nó sẽ không dễ dàng như thế.
Trong ba năm, từ 2019 đến 2021, mức tăng này chỉ nằm quanh mức 10 nghìn tỷ. Khoản 8 nghìn tỷ tăng đột biến trong năm 2022 được gọi là “excess saving”. Lượng tiền này đang được kỳ vọng sẽ là động lực cho hiện tượng “revenge spending” và xa hơn nữa là chìa khóa để mở ra sức tiêu thụ nội địa của Trung Quốc.
Trong bài viết của mình trên blog Weboi, ông Vương cho rằng có một số yếu tố ảnh hưởng đến số tiền gửi tiết kiệm của hộ gia dình Trung Quốc trong năm 2022:
1. Tăng trưởng thu nhập (bao gồm thu nhập từ việc làm, thu nhập từ tài sản, tiền trợ cấp…) là yếu tố ảnh hưởng cốt lõi trong tăng trưởng tiền gửi. Trong năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế yếu, thị trường lao động bất ổn, lãi xuất thấp… tăng trưởng thu nhập của hộ gia đình giảm so với năm ngoái và từ đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng tiền gửi.
2. Chi tiêu (thực phẩm, quần áo, nhà cửa, giáo dục, y tế…). Chi tiêu trong năm 2022 bị hạn chế lớn, do các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt của chính phủ. Kết quả là chi tiêu hạn chế đã đẩy tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh trong năm 2022.
3. Thay đổi trong việc đầu tư và quản lý tài chính (bao gồm đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, các công cụ tài chính, bảo hiểm…). Trong năm 2022, tăng trưởng của các khoản đầu tư mới sụt giảm, cùng với làn sóng thoái vốn khá rõ ràng. Quy mô của các khoản đầu tư sụt giảm vài nghìn tỷ NDT, việc cũng đóng góp rất lớn vào tăng trưởng tiền gửi trong năm 2022.
4. Khác, bao gồm tiền trả gốc và lãi vay, tiền kiều hổi gửi về… Tăng trưởng tiền vay của hộ gia đình trong năm 2022 chỉ là 3.83 nghìn tỷ, thấp hơn nhiều so với mức từ 7 – 8 nghìn tỷ trong 5 năm trước đó. Một mặt, việc này giúp hộ gia đình tiết kiệm được một khoản trả tiền gốc và lãi vay. Theo ông Vương, số tiền này vào khoản 1.38 - 1.84 nghìn tỷ.
Tuy nhiên, các khoản vay đồng thời cũng là một động lực cho tiêu dùng. Các khoản vay của hộ gia đình bao gồm vay tiêu dùng (chủ yếu là vay mua nhà, mua xe và vay sinh viên) cùng với các khoản vay kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng của vay hộ tiêu dùng tại Trung Quốc đã giảm liên tục kể từ năm 2016 và xuống mức 1 con số lần đầu tiên vào năm 2022, khi chỉ tăng trưởng 5.39%. Việc người dân vay ít đi cũng là một yếu tố quan trọng hạn chế tăng trưởng tiêu dùng và kinh tế, ông Vương nhận định.
Theo tính toán của Lâm Anh Kỳ, một chuyên viên phân tích tại China International Capital Corp, một ngân hàng đầu tư của Trung Quốc, đăng trên Financial Times, thì 4 trong số 8 nghìn tỷ này là đến từ việc thoái vốn, 1 nghìn tỷ đến từ tăng trưởng thu nhập và 1.5 nghìn tỷ đang gửi tiết kiệm dài hạn. Như vậy sẽ còn khoảng 1.5 nghìn tỷ có thể giải phóng dưới dạng thu nhập.
Tất cả nhưng điều trên muốn nói một điều rằng, không phải tất cả 8 nghìn tỷ kia đều sẵn sàng được tung ra để chi tiêu. Những khoản tiền có được từ thoái vốn đầu tư, nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở lại trong tài khoản tiết kiệm cho đến khi các hộ gia đình tìm kiếm được cơ hội mới. Những khoản tiết kiệm dài hạn cũng vậy. Còn khoảng đâu đó từ 1.5 – 2.5 nghìn tỷ có thể được chi tiêu.
Tuy nhiên, việc các hộ gia đình có sẵn sàng vung tiền ra hay không, phụ thuộc vào kỳ vọng của họ vào tăng trưởng kinh tế trong tương lai, mức độ ổn định của công việc, tăng trưởng trong thu nhập và lợi nhuận đầu tư. Chỉ khi những kỳ vọng trên tích cực, thì người dân mới sẵn sàng mở rộng hầu bao.
Nhưng tình hình thực tế đang hoàn toàn ngược lại. Trước những biến động của thị trường, bao gồm dịch bệnh + chính sách phòng dịch, thay đổi liên tục trong chính sách điều hành của chính phủ khiến hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Tỷ lệ thất nghiệp trẻ của Trung Quốc (từ 16 – 24) của Trung Quốc trong năm 2022 dao động từ 15% – 19%, một mức rất cao. Hằng năm, Trung Quốc lại có thêm hàng triệu sinh viên mới ra trường, tạo thêm áp lực thất nghiệp.
Hơn nữa, thu nhập và tiền gửi của hộ gia đình Trung Quốc không đồng đều. Hiện đang có khoảng 600 triệu người, tức gần 1/3 dân số Trung Quốc có thu nhập dưới 1,000 NDT/tháng, tức những người này chỉ đủ tiền chi trả cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày, ông Vương cho biết. Tức là họ không có tiền để gia tăng chi tiêu. Cũng có rất nhiều người có mức thu nhập từ 1,000 tới 10,000 NDT/tháng, nhưng cũng rất nhiều trong số họ đang gánh những khoản vay mua nhà, mua xe. Đồng thời, nhu cầu của giới nhà giàu Trung Quốc ngày càng hướng đến những mặt hàng xa xỉ, mà phần lớn được sản xuất tại châu Âu, dẫn tới lực tiêu dùng này không hỗ trợ cho kinh tế Trung Quốc.
Can thiệp từ chính phủ
Khi nguồn lực từ người dân không đủ, ắt hẳn phải có sự can thiệp của chính phủ.
Như đã nói ở phần trước, để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, chính phủ Trung Quốc hạn chế sức tiêu dùng nội địa khi tái đầu tư nguồn lực vào các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng và các dự án lớn. Tuy nhiên, càng về sau, các dự án cơ sở hạ tầng càng kém hiệu quả, nhiều trong số đó trở thành các khoản đầu tư phi sản xuất. Và đồng thời trong quá trình đó, tạo ra bong bóng Bất động sản.
Theo Michael Pettis, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng, để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, chính phủ Trung Quốc phải đảo ngược quá trình này, tức tập trung phân bổ nguồn lực cho chi tiêu hộ gia đình, bằng cách nâng cao thềm lương hoặc các chương trình phúc lợi xã hội.
Tuy nhiên, việc này lại ảnh hưởng tới lợi ích của một nhóm những người đã và đang hưởng lợi từ mô hình kinh tế cũ, tức các ngân hàng, công ty trong ngành xây dựng, giới đầu cơ bất động sản, và cả nhiều chính quyền địa phương các cấp. Chuyển hướng nguồn lực rời xa việc phát triển cơ sở hạ tầng đồng nghĩa với xì hơi bong bóng BĐS hiện tại đang rất lớn ở Trung Quốc, từ đó sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của những thành phần xã hội kể trên.
Riêng đối với các hộ gia đình, BĐS chiếm khoảng 60% tổng tài sản của họ, trong khi đó tiền gửi tiết kiệm chỉ chiếm 20%. Xì hơi bong bóng BĐS đồng thời cũng sẽ làm tài sản của các hộ gia đình sụt giảm, khiến họ có xu hướng thu hẹp chi tiêu, thay vì tăng cường chi tiêu như mong đợi.
Dù hiện tại, 60% GDP Trung Quốc đang được phân bổ cho các hộ gia đinh và doanh nghiệp và chính phủ được nhận 40%, nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Theo Pettis, hộ gia đình nên được hưởng từ 70% – 75%, chính phủ chỉ nên nhận 5% – 10%, phần còn lại về tay doanh nghiệp.
Việc phân bổ lại nguồn lực như vậy, không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến tương quan quyền lực chính trị trong nội bộ Trung Quốc, điều khiến việc thay đổi cấu trúc kinh tế còn khó hơn.
Thực tế cho thấy, vào cuối năm nay, Trung Quốc đã thu hồi lại, hoặc nới lỏng nhiều chính sách liên quan đến việc kiểm soát thị trường BĐS. Từ nới lỏng 3 lằn ranh cho một số doanh nghiệp BĐS đạt tiêu chuẩn, cho tới chỉ đạo các ngân hàng tăng cường cho vay với các doanh nghiệp BĐS.
Ở một vũ trụ khác
Sự xuất hiện của dịch Covid-19 cùng chính sách Zero-Covid trong 3 năm qua, không phải là thứ tạo nên những vấn đề của Trung Quốc, mà nó chỉ làm trầm trọng và lộ diện những vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay. Có thể nếu không có dịch bệnh, việc chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn, khi mà tâm lý người dân vào tương lai của nền kinh tế không quá tiêu cực như hiện nay.
Còn bây giờ, Trung Quốc có thể chịu đau một lần để chuyển đổi mô hình kinh tế triệt để, hoặc chấp nhận quá trình chuyển đổi sẽ kéo dài nhiều năm.
Đối với năm 2023, đương nhiên, một phần nào đó của tiền gửi của hộ gia đình sẽ được tiêu dùng trở lại, dù sao thì người dân cũng vẫn phải sống. Nhưng không có gì đảm bảo, lực tiêu dùng đó sẽ mạnh như rất nhiều người kỳ vọng, ít nhất là với triển vọng kinh tế hiện tại.