#OP: Eo biển Hormuz
Eo biển Hormuz là đoạn đường biển nối giữa vịnh Ba Tư và vịnh Oman, là lối ra duy nhất từ vịnh Ba Tư ra biển Ấn Độ Dương, biến nó thành nút thắt cổ chai quan trọng nhất thế giới...
Eo biển Hormuz là đoạn đường biển nối giữa vịnh Ba Tư và vịnh Oman, là lối ra duy nhất từ vịnh Ba Tư ra biển Ấn Độ Dương để từ đó đi sang Thái Bình Dương và Địa Trung Hải. Đây là con đường vận tải của 25% lượng tiêu thụ dầu thô và hơn 30% lượng tiêu thụ khí tự nhiên toàn cầu, biến nó thành nút thắt cổ chai quan trọng nhất thế giới. Sự quan trọng của tuyến đường này khiến nó lôi kéo sự chú ý của tất cả các quốc gia.
MỸ TẠI HORMUZ
Ngày nay, Mỹ duy trì sự hiện diện thường xuyên trong khu vực khi phân bố riêng Hạm đội 5 Hải quân phụ trách toàn bộ khu vực vịnh Ba Tư, biển Đỏ, biển Arab và một phần Ấn Độ Dương. Tuy vậy, trái với suy nghĩ của nhiều người, Mỹ xây dựng sự hiện diện trong khu vực này khá muộn.
Trong Thế chiến thứ Hai, bất chấp tầm quan trọng của nguồn cung dầu khí đối với lực lượng đồng minh, Mỹ hoàn toàn bỏ ngỏ khu vực Trung Đông cho đồng minh của mình là Anh quản lý. Mỹ coi khu vực vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương là vùng ảnh hưởng của Anh, và hạn chế những tiếp xúc chính trị, thương mại và quân sự đối với khu vực này. Lực lượng quân nhân Mỹ đóng tại Bharain để đảm bảo dòng chảy dầu tới Liên Xô trong giai đoạn Thế chiến thứ Hai hoàn toàn dựa trên sự chấp thuận của Anh.
Cho đến năm 1971, khi Hải quân Anh rút khỏi khu vực, Mỹ cũng chưa vội vã nhảy vào mà quản lý “ủy nhiệm” thông qua Iran (khi đó vẫn dưới chế độ quân chủ) và Saudi Arabia. Cho đến khi Cách mạng Hồi giáo tại Iran diễn ra, Mỹ mới bắt đầu xây dựng những căn cứ của mình trong khu vực và thực sự đẩy mạnh sau Cuộc chiến vùng Vịnh thứ Nhất.
Lợi ích của Mỹ trong khu vực, theo lời Gary Sick, nhà phân tích ngoại giao Trung Đông và là thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Ford, Carter và Reagan, bao gồm 2 mục tiêu chủ đạo (1) đảm bảo khả năng tiếp cận của nền công nghiệp thế giới với nguồn tài nguyên dầu mỏ trong khu vực và (2) ngăn chặn bất kỳ thế lực chính trị hay quân sự nào khác kiểm soát nguồn tài nguyên dầu mỏ đó.
Những mục tiêu khác, như duy trì sự ổn định và độc lập của các quốc gia vùng Vịnh, cũng hay kiểm soát sự đe dọa của các lực lượng Hồi giáo cực đoan, là những mục tiêu phái sinh từ hai mục tiêu lớn kể trên.
ĐÓNG CỬA EO BIỂN
Một trong những sự kiện tiềm tàng có thể xảy ra tại eo biển Hormuz là việc một thế lực nào đó, sẽ thực hiện phong tỏa quân sự eo biển này, hay nói đơn giản, là đóng cửa eo biển Hormuz. Đây là rủi ro lớn nhất và được nhắc đến nhiều nhất mỗi khi có những xung đột trong khu vực. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Anas Alhajji, một chuyên gia được tín nhiệm trong ngành dầu khí, cho rằng, những lực lượng có “khả năng” làm việc này là Iran và Mỹ, sẽ không làm vậy, vì nó sẽ đi ngược lại lợi ích của chính họ.
Iran, với vị thế địa lý đắc địa, cho phép dễ dàng phong tỏa Hormuz, cũng là nước thường xuyên đưa ra đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz nhất, nhưng chưa bao giờ thực hiện. Những lời đe dọa này quay lại từ năm 1983, khi Iran cố gắng ngăn cản Pháp giao cho Iraq một số máy bay chiến đấu mà nước này đặt hàng, đóng cửa Hormuz được đưa ra như một trong số những hành động có thể làm.
Dù vậy, ngay cả khi Iraq tấn công các tàu chở hàng của nhiều nước, trong đó có nhiều tàu của Iran, cũng như ném bom đảo Kharg, nơi đặt cảng xuất khẩu dầu lớn nhất của Iran, một hành động được cho là để khiêu khích Iran đóng cửa eo biển Hormuz, từ đó lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến, nhưng Iran cũng không đóng.
Tuy nhiên, vì hai cả hai bên thực hiện liên tiếp các vụ tấn công vào các tàu hàng đi qua eo biển trong nhiều năm, dẫn đến việc Kuwait đề nghị các nước trong Hội đồng bảo an đổi cờ cho các tanker của nước này và hỗ trợ hộ tống tàu. Dưới sự đề nghị chính thức của Kuwait, Anh đã đổi cờ cho 5 tàu, Liên Xô 3 tàu và Mỹ 12 tàu chở dầu của Kuwait, đồng thời đưa lực lượng Hải quân để hộ tống tàu chở hàng các loại đi qua Hormuz.

Theo một nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, nhìn chung có 4 cách để đóng cửa eo biển Hormuz.
- Đặt pháo binh trên các hòn đảo nhỏ nằm rải rác trong eo biển để ngăn chặn tàu đi qua. Nhưng những cụm pháo binh này có thể dễ dàng bị tiêu diệt bởi các vụ không kích.
- Rải thủy lôi khắp eo biển. Nhưng thủy lôi có thể dễ dàng xử lý bằng các tàu phá mìn và việc rải thủy lôi cũng sẽ ngăn chặn cả tàu của Iran.
- Đánh đắm tàu trên tuyến hàng hải để cản trở tàu bè qua lại. Cách làm này từng được Ai Cập thực hiện để ngăn chặn tàu bè đi qua kênh đào Suez. Tuy nhiên, độ sâu của eo Hormuz khác rất nhiều so với kênh Suez, và Iran cũng không có thẩm quyền trên toàn bộ eo biển như Ai Cập có với kênh đào.
- Tuần tra dày dặc bằng tàu hải quân. Phương án này phụ thuộc khá nhiều vào tiềm lực hải quân của Iran, vừa có thể bảo vệ bờ biển, tuần tra eo biển cũng như đối phó với sự can thiệp của Mỹ và các nước khác.
Việc Iran đóng cửa eo biển Hormuz không phải là hoàn toàn không thể, nhưng nó sẽ là việc khó khăn với tiềm lực hiện tại của Iran. Dù vậy, đó là rủi ro mà các nước không thể loại trừ hoàn toàn.
LỐI TẮT
Trước những rủi ro về khả năng eo Hormuz bị đóng cửa, tất cả những nước có thể, đều xây dựng kế hoạch dự phòng cho riêng mình để tránh phụ thuộc vào tuyến đường hàng hải duy nhất này.
Từ năm 2012, Iran đã lên kế hoạch về việc xây dựng một cảng xuất khẩu dầu thô gần cảng Jask, trên bờ biển vịnh Oman, miền Nam tỉnh Hormozgan. Cảng này được xây dựng kèm theo một hệ thống đường ống dẫn dầu dài gần 1,000 km nối từ Goreh, Bushehr. Sau nhiều năm xây dựng thì vào tháng 07/2021, Iran đã chính thức khánh thành dự án trị giá 2 tỷ USD này. Hệ thống đường ống nối tới cảng Jask có công suất 300,000 thùng/ngày và Iran được cho là có kế hoạch nâng cấp lên 1 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, kế hoạch đi tắt của UAE nằm ở cảng tanker Fujairah, nằm bên ngoài eo biển Hormuz. Trong cuộc chiến Tanker giữa Iraq và Iran, địa điểm này đã được chọn làm nơi dừng chân của nhiều tàu hàng trước khi được hộ tống qua eo biển. Năm 2008, UAE bắt đầu xây dựng đường ống Habshan nối từ giếng dầu Murban ở Abu Dhabi đến Fujairah, có công suất 1.5 triệu thùng/ngày, cho phép nước này đi tắt qua eo Hormuz trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra một loạt các đường ống tương tự khác cũng đang được xây dựng.
Saudi Arabia là nước đi đầu trong việc xây dựng phương án dự phòng cho hoạt động xuất khẩu, khi ngay từ năm 1982, đã bắt đầu xây dựng hệ thống đường ống đông – tây, hay còn gọi là Petroline dài 1,200 km nối từ bờ biển vịnh Ba Tư của nước này sang bờ Biển Đỏ. Sau này hệ thống này được chuyển đổi thành hệ thống vận chuyển khí tự nhiên, nhưng Saudi Arabia lại âm thầm chuyển chúng thành đường ống dẫn dầu, cũng vào khoảng 2012. Hiện nay, đường ống này có công suất tối đa khoảng 5 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, Saudi còn có một hệ thống vận chuyển LNG công suất 300,000 thùng/ngày song song với Petroline và một đường ống có tên là IPSA, được dùng trong những năm 1980 để vận chuyển dầu của Iraq, cũng được kết nối vào Petroline, nhưng hiện nay được chuyển đổi để vận chuyển khí tự nhiên của Saudi. Đường ống thứ ba đi dọc biên giới Saudi - Iraq, qua Jordan và sang Israel, có tên Tapline nhưng hiện đã bị đóng cửa. Những đường ống này đều cung cấp khả năng đi tắt qua eo Hormuz.
Trong vài năm gần đây, tuyến đường hàng hải từ cảng Jeddah đến kênh đào Suez đã phải chịu tần suất phá hoại rất lớn bằng drone từ phiến quân Houthi của Yemen. Cũng có ý kiến cho rằng, sự xuất hiện của lính đánh thuê Nga tại Sudan cũng đã và sẽ có ảnh hưởng lớn tới tuyến hàng hải này.
Tuy nhiên, nếu eo biển Hormuz quan trọng vì nó là tuyến xuất khẩu năng lượng, thì biển Đỏ cũng quan trọng vì nó là tuyến đường xuất khẩu mọi loại hàng hóa từ châu Á sang châu Âu và ngược lại. Vì vậy, bất cứ sự gián đoạn hàng hải nào trong vùng biển này, cũng sẽ lôi kéo sự can thiệp của nhiều nước.