SVB CHẠY BỘ VÀ CÁC START-UP
Nguyên nhân chính cho sự sụp đổ của SVB, không phải là trái phiếu hay lãi suất, mặc dù đó là con cờ domino đầu tiên dẫn tới một loạt sự kiện sau đó
Nhân dịp ai cũng thành chuyên gia về bank, mình cũng đua đòi tý.
Nguyên nhân chính cho sự sụp đổ của SVB, không phải là trái phiếu hay lãi suất, mặc dù đó là con cờ domino đầu tiên dẫn tới một loạt sự kiện sau đó. Nguyên nhân chính của SVB là tập khách hàng quá cô đặc, mà lại là một nhóm khách hàng đặc biệt, có rủi ro khác hẳn với các tập khách hàng khác.
Theo chính công bố của SVB thì ngân hàng này là nơi gửi tiền của gần một nửa số các công ty nhận vốn đầu tư mạo hiểm, tức đâu đó từ 60,000 tới 65,000 công ty. Trong đó có cả những tên tuổi lớn như Airbnb, Coinbase, Slack, Uber cũng gửi tiền ở đây. Vấn đề của những công ty này còn lớn hơn so với các nhà đầu tư cá nhân, vì tiền gửi của các công ty thường lớn hơn hạn mức bảo hiểm 250k USD, và có tới 93% công ty startup gửi tiền tại SVB không bảo hiểm cho tiền gửi của mình.
Ngược lại, tiền gửi của startup tại SVB, cũng lại là vấn đề SVB, điều mà có thể chính đội ngũ lãnh đạo SVB cũng không nhận ra trước khi quá muộn. Đó là phần lớn các công ty startup, đốt tiền nhiều hơn là kiếm tiền. Inflow của những công ty này chủ yếu là vốn đầu tư qua các vòng gọi vốn. Nếu không gọi được vốn thì dòng tiền của họ chủ yếu là outflow. Điều này ảnh hưởng SVB, khi mà ngân hàng này là nơi gửi tiền của rất nhiều startup. Vì vậy mà trong cả năm, khi mà việc gọi vốn với các startup trở nên khó khăn hơn thì SVB chứng kiến dòng tiền outflow liên tục. Điều này kết hợp với các khoản đầu tư thua lỗ khi FED nâng lãi suất tạo nên lo ngại của người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi nhiều tiền.
Tất nhiên, với lượng tiền mặt của SVB thì khoản thua lỗ đó chưa ảnh hưởng quá lớn đến vấn đề thanh khoản hay khả năng tồn tại của ngân hàng này. Mà quan trọng là sự lo ngại của người gửi tiền. SVB phải ghi nhận lỗ từ các khoản đầu tư do lãi suất tăng, vậy nếu FED tiếp tục nâng lãi suất thì liệu SVB có ghi nhận những khoản lỗ lớn hơn không? Đó là những lo ngại của người gửi tiền. Xét cho cùng, cốt lõi của mọi thứ trong nền tài chính vẫn là kỳ vọng.
Có những thông tin cho rằng chính Peter Thiel đã kích thích làn sóng bank-run với SVB khi mà rút tiền của Quỹ đầu tư mạo hiểm của mình khỏi SVB cũng như khuyến cáo các startup mà Thiel đầu tư làm tương tự. Quy mô Quỹ của Thiel cùng với các startup trong portfolio của ông đủ sức để làm điều này.

Tuy nhiên, đổ lỗi cho Thiel vì sự sụp đổ của SVB thì cũng không đúng. Hệ sinh thái của quỹ đầu tư mạo hiểm và startup có tính bầy đàn rất lớn. Chỉ cần nhân vật có ảnh hưởng lớn làm một việc gì đó, những người khác sẽ làm theo, bởi nếu không bạn sẽ chậm chân trong một xu hướng nào đó và nhiều khả năng sẽ phải đổ bô. Và bất cứ ai trong vị thế của Thiel cũng sẽ làm thế, quan trọng là mình phải sống trước, còn thằng khác thì kệ chúng nó.
Quay lại với SVB, tại sao ngân hàng này lại quy tụ nhiều startup đến như vậy? Những ngân hàng lớn, loại too-big-to-fail như JP Morgan Chase, BofA thường không mấy thiện cảm với các startup ít tiền. Vì vậy mà startup quay sang SVB. Một số startup gửi tiền ở SVB vì họ vay tiền của SVB, nên gửi tiền ở đây như một dạng tài sản đảm bảo. Một số khác thì vì dịch vụ thân thiện với startup, một số khác thì vì người quen giới thiệu. Nói chung, hình ảnh thân thiện với startup đã kéo một lượng lớn khách hàng cho SVB.
Giờ đây SVB đã phá sản. Những startup quy mô lớn có thể tìm cách sống sót và gỡ gạc lại một phần tiền gửi của mình. Những startup nhỏ hơn, nhiều khả năng sẽ ra đi theo SVB khi mà họ không có dòng tiền để sống qua ngày. CEO của OpenAI và là cựu chủ tịch của Y Combinator đã kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ các startup bằng cách bơm tiền ngay lập tức mà không cần giấy tờ hay điều kiện gì, để họ có thể duy trì sự sống trong thời điểm hiện tại.
Không biết là có bao nhiều start-up trong thế hệ hiên tại sẽ sống sót qua đợt này, nhưng các lớp startup sau có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính và sự hỗ trợ từ các ngân hàng, khi mà bank thấy rằng, nhận quá nhiều tiền gửi, hay cho vay từ những thể chế không mấy an toàn cũng không phải hay ho gì.
P/S: Những startup chịu ảnh hưởng không chỉ ở Mỹ, mà có khá nhiều startup ở Ấn Độ và Trung Quốc. SVB cũng có một liên doanh tại Trung Quốc tên là SPD Silicon Valley Bank. Ngoài ra có khá nhiều celeb và KOL gửi tiền tại SVB nên hiệu ứng bầy đàn càng mạnh hơn.
Cập nhật: Sáng nay (13/03) FED và FDIC thông báo người gửi tiền sẽ được nhận lại toàn bộ tiền gửi. Vậy là có cái bank ra đi thôi.