KHẲNG ĐỊNH LUÔN, TRUNG QUỐC KHÔNG THIẾU LAO ĐỘNG
Trên thực tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với một tình trạng còn kỳ quặc hơn.
Tờ Economist có một bài bình luận, về việc vì sao Trung Quốc không chấp nhận nhập cư để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với một tình trạng còn kỳ quặc hơn.
TRUNG QUỐC KHÔNG THIẾU LAO ĐỘNG
Câu chuyện về vấn đề lao động của Trung Quốc nóng lên khi số liệu dân số nước này ghi nhận năm sụt giảm đầu tiên vào năm 2022 và sau đó là việc Ấn Độ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo ước tính của Economist, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm từ 1 tỷ người xuống còn 800 triệu người vào 2050. Tuy nhiên, quan ngại này dường như là hơi sớm vào thời điểm này.
Trước tiên, tốc độ sụt giảm lực lượng lao động hiện nay vẫn có thể kiểm soát được, và có thể thay thế bằng các yếu tố tự động hóa. Mặt khác, quá trình đô thị hóa của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục diễn ra, đẩy lực lượng lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp. Việc Trung Quốc leo thang trong chuỗi giá trị, thúc đẩy các ngành công nghiệp tay nghề cao và hạ thấp các ngành đòi hỏi nhiều lao động cũng giảm bớt sức ép lên vấn đề số lượng lao động.
Thực tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề khác. Nếu chỉ nhìn vào số liệu tổng quan, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc khá ổn định ở quanh mức 5%. Tuy nhiên, con số thất nghiệp của lực lượng lao động trẻ (độ tuổi từ 16 – 24) lại đang nằm trong một xu hướng tăng trong 5 năm trở lại đây. Con số này đạt đỉnh gần 20% vào giữa năm 2022 và đang quay trở lại mức đỉnh vào tháng 03 vừa rồi.
Tức là, trên thực tế, Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thừa lao động, hơn là thiếu lao động như nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp sẽ không thấy được vấn đề.
KHÔNG CÓ VIỆC HAY KHÔNG MUỐN LÀM VIỆC
Theo thống kê của một think tank Trung Quốc, lực lượng lao động bổ sung vào thị trường lao động tại Trung Quốc hàng năm, nhiều nhất là lực lượng lao động có trình độ cao (aka có trình độ đại học trở lên).
Theo một lẽ tự nhiên, lực lượng lao động trình độ cao, với tấm bằng đại học trở lên, sẽ muốn tìm những công việc văn phòng với mức lương cao (cổ cồn trắng). Trong những năm trở lại đây, mỗi năm, có khoảng 11 – 12 triệu sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học của Trung Quốc. Con số khổng lồ này khiến cho việc tìm được những vị trí công việc tốt trở thành một cuộc đua khốc liệt. Giới trẻ Trung Quốc ngày nay sinh ra trong giai đoạn kinh tế phát triển bùng nổ và chính sách 1 con của chính phủ, giúp họ nhận được mọi sự đầu tư từ gia đình và xã hội. Việc này dẫn đến hai cách phản ứng khác nhau khi phải đối mặt với sự cạnh tranh tìm việc.
Một là những người quyết tâm tìm được những công việc phù hợp với trình độ và bằng cấp của họ, không chấp nhận những công việc kém hoa mỹ hơn. Hai, là những người mệt mỏi trước sự cạnh tranh việc làm (kể cả trước và sau khi kiếm được việc), thu mình lại, chấp nhận những công việc ít cạnh tranh hơn dù thu nhập có thể thấp hơn. Tuy nhiên, với cả hai trường hợp, bộ phận giới trẻ Trung Quốc được sinh ra trong gia đình trung lưu, không còn đói khổ như cha mẹ họ, ít có động lực để đảm nhận những công việc cổ cồn xanh.
Hơn thế nữa, những ngành học của lao động trẻ Trung Quốc, cũng có định hướng dịch vụ nhiều hơn là sản xuất. Cũng theo think tank nói trên, lực lượng lao động mới của Trung Quốc chủ yếu theo học cách ngành giáo dục, hành chính công, cơ khí chế tạo, y tế và công tác xã hội, tài chính… Dù vậy, điều này lại đang không phù hợp với định hướng chính xác của chính phủ Trung Quốc, là đẩy mạnh phát triển sản xuất tại nông thôn. Coi việc phát triển sản xuất là cách giải quyết vấn đề dư thừa lao động của Trung Quốc.

Trong khi định hướng này giúp đưa lực lượng lao động kém hiệu quả tại nông thôn lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị. Tức là họ sẽ tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, nâng cao cuộc sống của chính họ và khu vực nông thôn mà họ sinh sống. Tuy nhiên, chính sách này không giải quyết được vấn đề thất nghiệp ở phân khúc lao động trình độ cao.
Như vậy, vấn đề của Trung Quốc hiện tại, là sự bất đồng trong trình độ của người lao động, nhu cầu của người lao động với yêu cầu của công việc và định hướng của chính phủ. Nó sẽ khiến một số khu vực của kinh tế Trung Quốc không có đủ lao động, trong khi nhiều người lao động không có việc làm.
CÔNG CHỨC NHÀ NƯỚC
Một hiện tượng khác của lao động trẻ Trung Quốc là rất nhiều người có hứng thú với công việc nhà nước. Công việc nhàn hơn, lương bổng ổn định, giờ giấc đều đặn là những điều thu hút giới trẻ trong bối cảnh công việc cạnh tranh khốc liệt ở khối tư nhân. Tất nhiên, để vào được những vị trí công chức này không phải là điều dễ dàng.
Chính phủ nhiều địa phương tại Trung Quốc cũng coi đây là một trong những cách để giải quyết vấn đề thất nghiệp trẻ, đã tăng cường tuyển dụng các vị trí công chức mới (tất nhiên, một phần cũng là để đáp ứng các yêu cầu chính sách của nước này). Tuy nhiên, công chức nhà nước hấp thụ không đáng kể lực lượng lao động trẻ và nó còn tạo nên áp lực đối với ngân sách.