Trung Quốc kinh tế vẫn chưa ra khỏi rừng
...nhưng mình vẫn thấy rằng, kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay đang rất mong manh, do những điểm yếu mang tính hệ thống, đã tồn tại từ lâu...
Trung Quốc thì rộng, người thì đông, GDP thì cao, nhưng mình vẫn thấy rằng, kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay đang rất mong manh, do những điểm yếu mang tính hệ thống, đã tồn tại từ lâu, nhưng không ai buồn quan tâm khi mọi thứ vẫn tốt đẹp.
Nguồn thu từ bán đất sụt giảm
Điểm yếu đầu tiên được thể hiện rõ trong báo cáo ngân sách của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2023. Trong hai tháng đầu năm 2023, thu tài chính công của Trung Quốc giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và chi tiêu tài chính công tăng 7% theo năm. Trong đó, thu nhập quỹ chính phủ quốc gia giảm 24% hàng năm, thu nhập chuyển nhượng quyền sử dụng đất giảm 29% theo năm.
Chúng ta đều biết, ngành bất động sản Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP của Trung Quốc. Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại tại đó. BĐS còn là một trong những nguồn thu chính của nhà nước, đặc biệt là của chính quyền địa phương của Trung Quốc. Nguyên tắc rất đơn giản, chính quyền các địa phương bán đất cho các doanh nghiệp BĐS, những doanh nghiệp này phát triển dự án, xây dựng nhà ở và bán cho người dân. Khi thị trường BĐS sôi động, tất cả đều có lợi. Chính quyền có thu ngân sách từ bán đất, doanh nghiệp xây được và bán được nhà, kể cả chưa bán được thì giá nhà vẫn tăng đều, số liệu GDP cũng tăng theo.
Đỉnh điểm nhất là năm 2020, khi doanh thu từ việc bán đất chiếm tới 84% tổng thu ngân sách của các địa phương, những năm khác, tỷ lệ này loanh quanh từ 50% - 60%.
Dù như vậy, thì nguồn thu từ các địa phương cũng không đủ để đáp ứng cho nhu cầu chi tiêu, một trong những phương pháp để thúc đẩy GDP của nước này, chính quyền các địa phương cũng tích cực đi vay tiền để tài trợ cho hoạt động của mình. Mọi chuyện vẫn sẽ ổn khi còn bán được đất. Nhưng khi thị trường BĐS trầm lắng, đặc biệt là khi chính phủ Trung Quốc quyết tâm kiểm soát BĐS, các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn về tài chính, không bán được nhà, thiếu vốn, thì việc bán đất của các địa phương cũng giảm theo. Nguồn thu sụt giảm, sẽ dẫn tới khả năng thanh toán trái phiếu giảm theo.
Chính vì vậy mà chính phủ Trung Quốc đã phải rất nỗ lực trong thời gian qua để cứu lấy ngành BĐS, nó không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân, mà còn ảnh hưởng lớn tới chính quyền địa phương của nước này. Giá nhà trong tháng 02/2023 tại các thành phố lớn đã phục hồi. Đó là dấu hiệu đáng mừng đầu tiên, nhưng chưa thể khẳng định mọi chuyện đã ổn. Vì giá nhà ở các thành phố lớn, nơi có mật độ dân cư đông thường nóng hơn so với các cấp địa phương khác. Thứ hai, nhu cầu phải phục hồi đủ nhiều để các doanh nghiệp phát triển BĐS có thể phát triển các dự án mới, khi đó thì họ mới tiếp tục mua đất từ các địa phương.
Nhu cầu xuất khẩu bị đe dọa
Trở lại giai đoạn Trung Quốc mở cửa, dòng vốn từ nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc là tiền đề cho sự phát triển kinh tế của nước này. Tiền đổ vào, nhà máy được xây dựng lên, người dân có việc làm, hàng hóa xuất khẩu đem lại nguồn thu cho Trung Quốc. Cho đến nay, xuất khẩu chiếm khoảng từ 19% đến 20% GDP của nước này.
Hàng hóa của Trung Quốc được xuất khẩu đến gần như mọi quốc gia, nhưung EU và Mỹ, gọi tắt là phương Tây, vẫn là hai khách hàng lớn nhất của Trung Quốc, chiếm tổng cộng 32% giá trị xuất khẩu của nước này (mỗi bên chiếm 16%). Ngược lại, 17.5% nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc. 22% nhập khẩu ngoại khối của EU đến từ Trung Quốc. Với số liệu như vậy, chúng ta có thể nhận định hai bên Trung Quốc và phương Tây phụ thuộc lẫn nhau trong hoạt động thương mại.
Dạo gần đây có một ý tưởng cho rằng, Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh để kiểm soát xuất khẩu hàng hóa sang các nước phương Tây, để gây thiệt hại cho nền kinh tế những nước này, thông qua việc đẩy lạm phát lên cao. Trong khi việc thiếu đi nguồn hàng từ Trung Quốc sẽ khiến lạm phát tại các nước phương Tây tăng cao, thì ngược lại, thiếu đi đơn hàng từ phương Tây, nhà máy Trung Quốc mất đi việc làm, người lao động mất đi thu nhập.
Hiện tại, dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại được hai tháng, các số liệu kinh tế vĩ mô cũng đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn có những quan sát cho thấy, đằng sau đó, Trung Quốc vẫn chật vật trong việc khôi phục xuất khẩu. Số công nhàn rỗi tại các cảng Trung Quốc vẫn rất lớn, các nhà máy rút khỏi Trung Quốc khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, hàng quán quanh những khu công nghiệp lớn vẫn đóng cửa sau 3 tháng từ bỏ Zero Covid.
Mặc dù đây mới chỉ là những quan sát đơn lẻ, không phải những thống kê mang tính khoa học và toàn diện, nhưng cũng là một chỉ báo để chúng ta theo dõi. Hiện nay, kinh tế phương Tây đang đứng trước nguy cơ suy thoái, sẽ ảnh hưởng lớn tới nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc. Không dễ dàng gì để thay thế hơn 30% nhu cầu xuất khẩu, tương đương đâu đó khoảng 1.15 nghìn tỷ USD, dù Trung Quốc đã bắt đầu những nỗ lực thúc đẩy nhu cầu nội địa.
BĐS đi xuống, hoạt động sản xuất trầm lắng, thu ngân sách thu hẹp, khó có thể khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn trong khi tương lai vẫn chưa sáng sủa hơn bao nhiêu.