Vì sao Nga cắt sản lượng???
Thứ 6 vừa rồi Phó Thủ tướng phụ trách mảng năng lượng của Nga, Alexander Novak thông báo "tự nguyện" cắt giảm sản lượng khai thác dầu đi 0.5 triệu thùng/ngày. Vì sao?
Sau khi Nga đưa ra thông báo này, giá dầu Brent đã bật tăng 1.1% lên 85 USD/thùng. Việc Nga đưa ra thông báo này vài ngày sau khi lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm lọc dầu Nga của EU có hiệu lực, đã làm dấy lên nhiều câu hỏi. Vì sao cắt? Vì sao lại cắt vào thời điểm này? và Vì sao lại cắt 500,000 thùng/ngày.
Ông Novak viện dẫn lý do là do ảnh hưởng của “trần giá”, Nga sẽ cắt giảm sản lượng đi 500,000 thùng/ngày trong tháng 03, chứ không phải là từ tháng 03. Điều này đồng nghĩa với việc cắt giảm này có thể chỉ diễn ra trong một tháng, cũng có thể hơn. Dù thế nào, thì việc viện dẫn lý do này dường như trái ngược với những tuyên bố trước đó của Nga, là Nga vẫn bán dầu bình thường, không bị ảnh hưởng bởi trần giá.
Quay lại vấn đề vì sao Nga lại có hành động như vây. Thực sự không ai biết một cách chính xác. Chúng ta chỉ có thể đoán thôi, và có rất nhiều lý do có thể giải thích cho việc này, chúng ta có thể phân loại vào 3 nhóm:
Lý do chính trị
Lý do tài chính
Lý do kỹ thuật
Lý do chính trị
Có hai thuyết âm mưu nổi lên sau tuyên bố của Nga.
Đầu tiên, là Nga làm vậy để kéo giá dầu lên, gây áp lực tài chính lên các nước châu Âu, có thể coi là phản ứng trước việc Mỹ và các nước châu Âu chấp nhận cung cấp cho Ukraine xe tăng và các loại vũ khí hiện đại hơn. Và cũng trùng với thời điểm mà Tổn thống Ukraine đến thăm châu Âu và phát biểu tại nghị viện EU. Lý do này nghe qua thì cũng có vẻ hợp lý.
Tuy nhiên, thị trường hàng thực hiện tại đang tương đối ảm đạm, với ít hoạt động giao dịch. Một số phân tích cho thấy quý 1 và 2 năm nay sẽ dư cung, dầu thô Bắc Phi đang gặp khó khăn trong việc bán hàng. Mặt khác, vào khoảng tháng 04 sẽ là thời gian nhà máy lọc dầu châu Âu đi vào giai đoạn bảo trì định kỳ hàng năm, vì vậy mà lượng dầu nhập về sẽ giảm, những ảnh hưởng về chi phí nhiên liệu sẽ là tối thiểu.
Thứ hai, là Nga + OPEC có ý định lừa ngành dầu đá phiến Mỹ, đưa giá lên cao để thu hút tiền quay trở lại đầu tư vào dầu đá phiến sau đó xả hàng, khiến ngành này rơi vào thua lỗ một lần nữa.
Giả thuyết này, nói thẳng ra là vô lý và đúng chất thuyết âm mưu. Hoạt động đầu tư vào khai thác dầu luôn là những khoản đầu tư lớn. Một cú tăng mạnh của giá sẽ không thể nào thu hút vốn đầu tư trở lại vào dầu đá phiến. Nếu ace đọc báo cáo của OPEC, họ luôn sử dụng giá trung bình để đưa ra các chính sách, chứ không ai dựa vào biến động giá trong ngày để quyết định việc đầu tư cả. Ngoài ra, giá dầu chỉ là một phần. Thái độ của chính quyền ông Biden với khai thác dầu khí tại Mỹ vẫn còn đang rất tiêu cực, là một trong những cản trở lớn trong việc tăng nguồn vốn đầu tư vào nghành dầu đá phiến.
Lý do tài chính
Nga có bốn loại (grade) dầu chính:
Urals blend. Là loại dầu được pha trộn từ dầu khai thác tại lòng chảo Volga - Urals với dầu từ lòng chảo Tây Siberia.
Arco. Loại dầu khai thác từ hai giếng dầu vùng cực.
ESPO. Loại dầu được khai thác từ một số giếng dầu tại Siberia rồi bán cho Trung Quốc qua đường ống Eastern Siberia-Pacific Ocean (ESPO).
Sokol. Là loại dầu được khai thác từ dự án Sakhalin-1.
Trong hai loại dầu trên, dầu Urals và Arco, và tất cả những loại dầu khác được xuất khẩu từ các cảng biển Đen, cảng biển Baltic và cảng vùng cực đang được bán với giá thấp hơn rất nhiều so với giá dầu ICE Brent, khoảng từ 20 - 30 USD/thùng.
Theo như số liệu từ Bộ Tài chính Nga, đăng bởi trang tin Kommersant (một trang tin Nga), chênh lệch (differential - diff) giữa giá dầu Urals của Nga so với benchmark dầu thô quốc tế là hơn 30 USD/thùng trong tháng 12. Các loại dầu khác giao từ mạn phia Tây của Nga sang châu Á cũng phải chịu mức diff này. Mức chênh lệch này, không phải do ảnh hưởng của “trần giá” như thỉnh thoảng một số chính trị gia phương Tây nhận, mà là để bù đắp cho những chi phí phát sinh thêm khi bán hàng.
Những khách hàng lớn nhất của dầu thô Nga sau khi châu Âu dừng mua là Ấn Độ và Trung Quốc. Đối với hai quốc gia này, dầu thô Nga (Urals và Arco…) phải di chuyển quãng đường xa hơn để đến cảng nhập, so với đối những đối thủ ở Trung Đông và Bắc Phi. Chất lượng dầu Nga cũng có vấn đề khi nhiễm kim loại nặng. Cấm vận của EU và trần giá của G7 cũng tạo nên những sức ép nhất định đối với khách mua. Vì vậy, giá dầu Nga phải rẻ hơn một mức nhất định để có thể bù đắp tất cả các vấn đề trên. Nếu không, mua từ Trung Đông cho xong.
Hiện tại, Nga đang phải thực hiện một số thủ thuật để chuyển dầu tới các khách hàng châu Á một cách tiết kiệm và an toàn nhất:
1. Sử dụng các tàu chở dầu cỡ nhỏ, chở dầu đến khu vực ngoài khơi Ceuta, lãnh thổ hải ngoại của Tây Ban Nha.
2. Ở đây, các tàu sẽ thực hiện việc chuyển dầu giữa các tàu (Ship-to-ship transfer) từ các tàu bé sang tàu chở dầu cỡ lớn VLCC. Tàu lớn thì chi phí vận chuyển trên mỗi thùng dầu sẽ rẻ hơn.
3. Sau đó, tàu VLCC sẽ đến châu Á thông qua một trong hai hướng. Kênh đào Suez nếu kích thước tàu cho phép. Nếu không sẽ phải đi vòng qua châu Phi.
Ngoài những loại dầu xuất khẩu từ các cảng phía Tây, dầu ESPO xuất khẩu qua đường ống và dầu Sokol hầu như không mấy bị ảnh hưởng. Hai loại dầu này thấp hơn dầu ICE Brent khoảng 5 - 7USD, vào thời điểm tháng 12. Hiện tại mình không có số liệu. Sự chênh lệch này chủ yếu do chất lược, và khả năng là do Trung Quốc ép giá.
Như vậy là Nga phải bán dầu khá rẻ so với giá dầu thế giới. Vì vậy, mặc dù xuất khẩu trong mấy tháng vừa rồi dù không giảm, nhưng giá bán thấp khiến thu nhập của Nga giảm đáng kể.
Cũng từ số liệu của Bộ Tài chính Nga, thu nhập đến từ dầu của Nga đã giảm đáng kể trong những tháng cuối năm 2022. Vì vậy, sẽ là dễ hiểu nếu Nga muốn tìm cách để nâng doanh thu. Để nâng doanh thu, có hai cách:
Nâng giá bán dầu.
Thu hẹp diff.
Việc Nga cắt giảm sản lượng, có thể đẩy giá dầu tăng cao như trong phiên thứ 6. Nhưng vấn đề là nó sẽ ở lại mức đó trong bao lâu. Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhu cầu của họ sẽ tăng trong năm nay (dù có thể sẽ không tăng mạnh như mấy banks kỳ vọng, nhưng chắc chắn là tăng), và Trung Quốc không thích giá dầu cao. Saudi Arabia nâng giá bán dầu cho châu Á trong tháng 03, nếu Nga tiếp tục đẩy giá dầu lên cao, Trung Quốc có thể sẽ can thiệp thị trường bằng dầu dự trữ của họ. Khi đó dầu sẽ giảm.
Mặt khác, việc đẩy giá dầu quốc tế lên cao có thể khiến giá bán dầu của Nga vượt lên trên trần giá, điều sẽ cản trở các chủ tàu Hy Lạp thực hiện vận chuyển dầu Nga.
Việc thu hẹp diff có thể thực hiện bằng cách giảm thiểu những yếu tố đã nêu ở phía trên. Trong đó, dễ nhất là chi phí vận chuyển. Nga có thể dùng tàu của mình để vận chuyển dầu. Khi đó sẽ có mức cước tàu rẻ hơn, và tiền cước tàu đó cuối cùng vẫn chui vào túi Nga. Trong thời gian qua, Nga đã tích cực xây dựng đội tàu của mình, mà báo chí hay gọi là “Shadow Fleets”. Tuy nhiên, việc tự mua tàu đòi hỏi một chi phí trả trước không hề nhỏ. Sức ép về kinh phí, về thời gian, khiến Nga chỉ mua được những tàu già, có độ tuổi hơn 10 năm. Tàu già thì không có vấn đề gì lắm, chỉ tăng thêm rủi ro trong vận chuyển.
Ngoài ra thì Nga cũng mượn đội shadow feet của Iran, vốn được nước này dùng để lách cấm vận của Mỹ. Vẫn phải trả phí cho Iran, nhưng chắc sẽ rẻ hơn.
Nói chung, lý do cắt giảm sản lượng để nâng giá bán là một lý do hợp lý. Nhưng nước đi này cũng có rủi ro, phụ thuộc vào việc giá tăng có đủ nhiều để bù đắp cho sự sụt giảm trong sản lượng hay không.
Lý do kỹ thuật
Khả năng đầu tiên, là Nga buộc phải cắt giảm sản lượng vì không bán hết dầu. Nói tự nguyện là để cho đỡ xấu mặt thôi. Bố già làng dầu là Anas Alhajji đã nhận định, Nga có thể sẽ không tìm được người mua cho khoảng 300,000 - 400,000 thùng/ngày. Do đó việc cắt giảm là cần thiết. Sản xuất mà không bán được sẽ chỉ làm tăng chi phí.
Nga có rất ít dung tích kho chứa dầu, vì trước giờ khai thác bao nhiêu, châu Âu + Trung Quốc mua bấy nhiêu. Nay, sản xuất dư thừa sẽ gây tốn thêm chi phí, dù là xây thêm kho chứa hay thuê tàu làm tồn kho nổi.
Khả năng thứ hai, là Nga buộc phải cắt giảm sản lượng do yếu kém kỹ thuật. Mặc dù Nga là nước khai thác và xuất khẩu dầu lớn. Nhưng trái với niềm tin của nhiều người, Nga không mạnh về chế tạo trang thiết bị cho ngành dầu khí. Dịch vụ cho ngành dầu khí (bảo trì, sửa chữa, nâng cấp) cũng vậy. Phần lớn trang thiết bị tối tân nhất, và những dịch vụ dầu khí khác cũng sử dụng của phương Tây. Baker Hughes là công ty dịch vụ dầu khí hàng đầu của Mỹ, đã rút khỏi Nga hồi năm ngoái.
Mình không cho rằng Nga không có tý khả năng nào trong việc bảo trì, nâng cấp các giàn khoan dầu của mình, nhưng nó không thể bằng các công ty chuyên nghiệp của phương Tây. Mặt khác còn là vấn đề trang thiết bị. Một ví dụ, nếu nhớ không nhầm thì sau khi chiến sự bắt đầu một thời gian, tờ Kommersant có đăng một bài viết, thông báo Nga đã tự sản xuất được hệ thống khai thác dầu đá phiến đầu tiên của mình, sản lượng dự kiến là 10 hệ thống mỗi năm. Trong khi Nga hiện có khoảng hơn 200 điểm khoan dầu đá phiến.
Dù vậy, mình cho rằng bây giờ là hơi sớm để cơ sở hạ tầng dầu khí của Nga xuống cấp đến mức phải cắt giảm sản lượng. Nhưng cũng không thể biết trước được điều gì, vì nhiều khu vực khai thác của Nga có điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt.
Ở trên là những lý do có thể khiến Nga phải “tự nguyện” cắt giảm sản lượng của mình. Trong đó cái thứ 3 và thứ 4 là hợp lý nhất. Bây giờ cũng còn quá sớm để có thể khẳng định, mình đoán mò vậy thôi. Qua thời gian thì “truth will out”.
What’s next?
Sau khi Nga đã cắt giảm, chúng ta có hai điều cần quan tâm:
Là Nga sẽ cắt giảm sản lượng ở đâu. Việc này rất quan trọng. Những giếng dầu ở phía bắc, chi phí sản xuất đắt đỏ hơn, cắt giảm sẽ có lợi trong ngắn hạn. Nhưng khi xét tới thời tiết khắc nghiệt tại đây, nếu dừng hoạt động quá lâu, việc khôi phục khai thác sau đó là rất khó khăn. Gần như tương đương với việc phải khoan lại từ đầu. Vậy nên, dừng khoan giếng nào sẽ ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của Nga.
Phản ứng của OPEC+ hiện nay, theo tin leak của các đại biểu là sẽ không nâng sản lượng để bù đắp. Tuy nhiên, nếu việc Nga cắt giảm kéo dài hơn một tháng thì sao.
Trung Quốc có can thiệp thị trường hay không? Nếu có thì sẽ can thiệp ở mức giá nào? Việc này, rất khó để có thể biết. Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán qua những giao dịch dầu hàng thực.