VÌ SAO VÀI NƯỚC OPEC+ CẮT SẢN LƯỢNG DẦU?
Câu hỏi còn lại là vì sao? Trả lời câu hỏi này sẽ là nền tảng để hiểu diễn biến tiếp theo của thị trường...
Những tuyên bố bất ngờ của một số nước thành viên OPEC+ tối hôm qua đã đẩy giá dầu tăng mạnh trong phiên hôm nay. Câu hỏi còn lại là vì sao? Trả lời câu hỏi này sẽ là nền tảng để hiểu diễn biến tiếp theo của thị trường.
Đầu tiên, mình không cho rằng hành động này của các nước OPEC+ được thực hiện trong sự phối hợp với Nga, đơn giản hơn, các nước không hề bắt tay với Nga để thổi giá dầu lên. Nếu có sự phối hợp ở đây, thì các nước đã làm từ tháng 02, khi Nga tuyên bố cắt giảm sản lượng đi 0.5 triệu thùng/ngày, chứ không phải đến tận bây giờ.
Cách đây một thời gian, mình có nói, OPEC+ đã mất đi khả năng điều tiết thị trường, khi họ chỉ có thể cắt giảm sản lượng mà không thể nâng, do Nga khó lòng đồng thuận việc này trong bối cảnh bị cấm vận. Và bây giờ điều này thể hiện rất rõ.
Nguyên nhân thực sự cho việc cắt giảm lần này, là những lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu dầu toàn cầu. Sau lần cắt giảm hạn mức sản lượng đi 2 triệu thùng/ngày hồi tháng 12 của OPEC+, giá dầu không đi theo xu hướng kỳ vọng, trong khi cấu trúc thị trường tiếp tục duy trì contango, với nguy cơ tiếp tục giảm sâu. OPEC+ tiếp tục kiên trì để đợi hiệu ứng của việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, tuy nhiên đến hết quý 1 mà không thấy dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu của Trung Quốc hồi phục như kỳ vọng. Không những thế, khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ tiếp tục ghìm kỳ vọng về nhu cầu.
Tổng kết lại thì sau 3 tháng chờ đợi, quan sát, OPEC+ rút ra kết luận là, không thể trông đợi vào Trung Quốc để kéo thế giới lên, nên giờ phải cắt giảm. Câu hỏi tiếp theo là vì sao lại là cắt giảm tự nguyện, mà không cắt giảm trần hạn ngạch như trước.
Quay lại luận điểm về việc OPEC+ mất khả năng điều tiết. Năm 2023 sẽ là năm rất biến động của thị trường dầu, với nhu cầu dầu khó có thể dự báo, vì vậy mà OPEC+ cần sự linh hoạt trong điều tiết sản lượng. Tuy nhiên, nếu OPEC+ cắt giảm trần hạn mức, thì khó có thể nâng lên khi cần thiết, vì không đạt được sự đồng thuận từ Nga. Mặt khác, đạt được một đồng thuận trong việc cắt giảm cũng không phải dễ dàng, do sẽ có một số nước không muốn cắt giảm, ví dụ như một nước bắt đầu với chữ cái U.
Vì vậy mà cắt giảm tự nguyện sẽ là phương án tối ưu hơn. Vì cắt giảm tự nguyện không có ràng buộc. Tuyên bố thì cứ tuyên bố thế, nhưng không ai bắt phải cắt đúng như tuyên bố. Quan trọng hơn, là các nước có thể linh hoạt hơn trong việc nâng sản lượng về sau nếu cần thiết, mà không phải họp hành hay đồng thuận gì cả. Đây mới là cái quan trọng.
Tổng mức cắt giảm lần này là 1.649 triệu thùng/ngày (tính cả Nga), nhưng vì là mức cắt giảm tự nguyện nên sẽ có một số nước không cắt giảm đúng như tuyên bố, dẫn đến sản lượng bị cắt giảm thực tế sẽ thấp hơn rất nhiều.
Quan trọng hơn là những phản ứng của chính quyền Biden, sẽ gây ra nhiều biến động hơn, mà nhiều khả năng sẽ gây tổn hại nhiều hơn đến mối quan hệ Mỹ - OPEC.