World of Wheat
Đối với một nền văn minh lúa nước như Việt Nam, gạo là loại lương thực chính được sử dụng trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng khi nhìn rộng ra trên bình diện thế giới, lúa mỳ, mới là loại cây trồng cung cấp nguồn dinh dưỡng chính. Nhờ hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ thích nghi với điều kiện khí hậu, lúa mỳ du nhập và được trồng rộng rãi ở rất nhiều quốc gia.
Mặc dù lịch sử không ghi lại chính xác lúa mỳ được thuần dưỡng để trở thành một loại cây trồng lương thực từ thời điểm nào, nhưng các di chỉ khảo cổ tại dãy núi Karacadag, Thổ Nhĩ Kỳ, cho thấy con người đã bắt đầu gieo trồng lúa mỳ từ cách đây khoảng 10,000 năm, tại khu vực Lưỡng Hà xưa kia, mà nay bao gồm khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq và Syria[1]. Trong nhiều thế kỷ sau đó, việc gieo trồng lúa mỳ được dần dần du nhập sang châu Âu và châu Á, được gieo trồng tại quần đảo Anh vào khoảng 4,000 năm trước Công nguyên[2] và tại lưu vực sông Hoàng Hà, Trung Quốc vào 2,600 năm trước công nguyên[3].
Theo số liệu của FAO[4], tính đến năm 2021, hiện có 124 quốc gia đang gieo trồng lúa mỳ ở tất cả các lục địa trên thế giới. Dù vậy, sản lượng lúa mỳ vẫn tập trung tại một vài quốc gia, trong đó quốc gia có sản lượng lúa mỳ lớn nhất là Trung Quốc, sau đó là Ấn Độ và Nga. Riêng 3 nước này đã sản xuất ra hơn 40% sản lượng lúa mỳ toàn thế giới.
Nations of Wheat
Tại Trung Quốc, phần lớn lúa mỳ được trồng tại vùng đồng bằng Bắc Trung Quốc, với sản lượng lớn nhất thu hoạch tại tỉnh Hà Nam, Sơn Đông và An Huy. Sản lượng lúa mỳ của Trung Quốc tăng đều trong những năm gần đây, bất chấp việc diện tích lúa mỳ sụt giảm trong giai đoạn 2017 – 2020, nhưng nhờ năng suất cây trồng được cải thiện nên sản lượng vẫn tăng ổn định.
Tại khu vực biển Đen, Nga và Ukraine là hai nước sản xuất và xuất khẩu lúa mỳ lớn của thế giới. Hai quốc gia này được thiên nhiên ban tặng lớp đất đai màu mỡ, được gọi là đất đen, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, trong đó có lúa mỳ. Tại Nga, lúa mỳ được gieo trồng tại phía nam, trong đó sản lượng lớn nhất nằm ở các tỉnh thuộc vùng Nam Nga và Bắc Caucasus, tiếp giáp với Ukraine và biển Đen. Ở Ukraine, lúa mỳ được trồng trên hầu hết cả nước, với sản lượng được phân bố khá đồng đều, mặc dù các tỉnh phía đông và phía nam có mức sản lượng lớn hơn đôi chút.
Khi cuộc chiến Nga – Ukraine xảy ra vào tháng 02/2022, hoạt động nông nghiệp tại Ukraine bị gián đoạn nghiêm trọng, trong đó đặc biệt là 4 bốn tỉnh phía đông. Hoạt động sản xuất tại những tỉnh khác trên cả nước cũng bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu hụt phân bón, hạt giống và nhiên liệu. Ngay khi cuộc chiến bùng phát, giá lúa mỳ giao dịch trên Sở giao dịch hàng hóa Chicago đã tăng trần liên tiếp 5 phiên, phản ánh vai trò của khu vực này trên thị trường lúa mỳ thế giới.
Châu Âu cũng là khu vực có lượng xuất khẩu lúa mỳ lớn. Trong khu vực, lúa mỳ được trồng tại tất cả các quốc gia, nhưng Pháp là nước có sản lượng lớn nhất, đóng góp cho 24% sản lượng lúa mỳ của khu vực, sau đó là Đức và Anh Quốc.
Tại Bắc Mỹ, lúa mỳ được trồng phổ biến ở các bang tiếp giáp giữa Mỹ và Canada và tại bang Kansas và Colorado của Mỹ. Ở Australia, lúa mỳ được trồng tập trung tại các vùng ven biển, trong đó sản lượng lớn tập trung ở phía nam Western Australia và khu vực ranh giới giữa New South Wales và Queensland.
Classes of Wheat
Cùng với sự đa dạng về gieo trồng, lúa mỳ cũng có sự đa dạng về chủng loại. Các quốc gia có những cách phân loại lúa mỳ được sản xuất tại mỗi nước khác nhau, nhưng chủ yếu là theo ba tiêu chí: màu sắc hạt, kết cấu hạt và thời gian gieo trồng.
Ví dụ, ở Mỹ, lúa mỳ được phân loại thành sáu nhóm: Hard red spring (HRS), Hard red winter (HRW), Soft red winter (SRW), Soft white, Hard white và Durum. Trung Quốc phân loại lúa mỳ thành 5 nhóm Hard white, Soft white, Hard red, Soft red và mixed. Một số nước, như Canada hay Australia còn bổ sung thêm tiêu chí khu vực gieo trồng và chất lượng vào để phân loại.
Phân loại lúa mỳ theo chủng loại cũng mang theo nó một tiêu chí rất quan trọng của lúa mỳ, đó là tỷ lệ protein có trong lúa. Cách phân loại lúa mỳ của Mỹ mang theo tiêu chuẩn protein như sau:
Hay như của Australia:
Nhìn chung, lúa mỳ có tỷ lệ protein từ 13% trở lên có thể được coi là lúa mỳ loại tốt. Tuy nhiên, các nước cũng bổ sung các tiêu chí khác khi đánh giá chất lượng của lúa mỳ, như trọng lượng hạt, tạp chất…
Riêng đối với Nga, như thường lệ vẫn có những tiêu chuẩn khác biệt với thế giới, quy định chất lượng lúa mỳ theo 05 nhóm, trong đó lúa mỳ loại 1, loại tốt nhất, có tỷ lệ protein tối thiểu lên tới 14.5%, còn từ 13.5% tới 14.5% là loại 2. Tuy nhiên, tính trung bình trong giai đoạn từ 2001 tới 2015, tỷ lệ lúa mỳ Nga đạt chất lượng thuộc nhóm 1 và 2 không quá 2% tổng sản lượng[5].
Trade of Wheat
Vì sự mất cân đối trong sản lượng lúa mỳ của các quốc gia, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu lúa mỳ trở nên tối quan trọng trong việc đáp ứng cho nhu cầu lương thực toàn cầu, đặc biệt là lục địa châu Phi, khu vực đông dân cư nhưng sản lượng lúa mỳ lại thấp. Cũng theo số liệu của FAO[6], trong năm 2021, Nga là nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, sau đó là Australia và Mỹ, tính theo khối lượng. Nếu tính cả khối EU, thì xuất khẩu lúa mỳ của EU sẽ chiếm thứ hai toàn cầu.
Trong khi đó, Trung Quốc, bất chấp việc là nước sản xuất lúa mỳ lớn nhất thế giới, vẫn phải nhập khẩu 9.7 triệu tấn lúa mỳ (2021) để đáp ứng cho nhu cầu nội địa.
Đối với việc nhập khẩu, theo số liệu của FAO[6], trong năm 2021, Indonesia là nước nhập khẩu lúa mỳ nhiều nhất thế giới, sau đó là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy những bộ số liệu khác cho thấy vị trí thứ hai và ba là những nước khác. Việc này do việc thu thập số liệu hải quan của từng tổ chức dẫn đến sự khác biệt trong số liệu.
Hoạt động giao dịch và định giá lúa mỳ ở nhiều nước xuất khẩu lớn được thực hiện thông qua các sở giao dịch tập trung với các hợp đồng phái sinh hàng hóa. Ví dụ, tại Mỹ đã có tới 3 sở giao dịch cho phép giao dịch lúa mỳ, là Sở giao dịch hàng hóa Chicago với hợp đồng lúa mỳ SRW, Sở giao dịch hàng hóa Kansas với hợp đồng lúa mỳ HRW và Sở giao dịch ngũ cốc Minneapolis giao dịch lúa mỳ HRS. Lúa mỳ được giao dịch tại Sở giao dịch Moscow MOEX ở Nga, tại Sở giao dịch ASX của Australia, tại Euronext tại châu Âu…
Việt Nam cũng là nước nhập khẩu lúa mỳ, chúng ta đã nhập gần 4 triệu tấn lúa mỳ, trị giá hơn 1.5 tỷ USD trong năm 2022. Hiện tại, ở Việt Nam, chúng ta có thể giao dịch các hợp đồng phái sinh lúa mỳ SRW của Sở Chicago và HRS của Sở Kansas thông qua Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam MXV.
Purpose of Wheat
Lúa mỳ nói chung được sử dụng với mục đích chính là làm lương thực, ngoại trừ một số loại lúa mỳ chất lượng thấp có thể được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi thay thế cho DDGs hay Khô đậu tương. Đối với lúa mỳ đủ tiêu chuẩn làm lương thực, mỗi loại lúa mỳ lại có mục đích riêng.
Hard Red Winter (HRW): Với tỷ lệ protein và gluten cao, HRW thường được sử dụng để làm các loại bánh mỳ, bánh tortilla, bột mỳ đa dụng và mỳ sợi.
Hard White (HW): được sử dụng làm bột mỳ nguyên cám. Các thợ làm bánh cũng sử dụng HW để làm bánh mỳ, bánh mỳ rán và mỳ sợi.
Hard Red Spring (HRS): được sử dụng làm bánh mỳ artisan, croissants, bagels và đế bánh pizza.
Soft Red Winter (SRW): với tỷ lệ protein và glutein thấp, được sử dụng chủ yếu để làm bánh quy, bánh ngọt.
Soft White (SW): được sử dụng chủ yếu làm bánh ngọt, bánh bông lan.
Durum: được dùng chủ yếu để làm mỳ Ý các loại, cơm couscous và một số loại bánh mỳ Địa Trung Hải.
Fun fact: Lúa mỳ chủ yếu có màu trắng và đỏ, nhưng cũng có một số loại lúa mỳ thiểu số, có màu đen, vàng và xanh dương.
[1] Charmet, G. (2011). Wheat domestication: Lessons for the future. Comptes Rendus Biologies, 334 (3), pp. 212-220. Available from: https://doi.org/10.1016/j.crvi.2010.12.013 [accessed 23 March 2023]
[2] Smith, O., Momber, G., Bates, R. et al. (2015). Sedimentary DNA from a submerged site reveals wheat in the British Isles 8000 years ago. Science. 347 (6225). pp. 998-1001. Available from: https://doi.org/10.1126/science.1261278 [accessed 23 March 2023]
[3] Long, T., Leipe, C., Jin, G. et al. (2018). The early history of wheat in China from 14C dating and Bayesian chronological modelling. Nature Plants. 4. pp.272–279. Available from: https://doi.org/10.1038/s41477-018-0141-x [accessed 23 March 2023]
[4] FAO. (2023). FAOSTAT [online]. Available from: https://www.fao.org/faostat/en/#data/QCL [accessed 23 March 2023]
[5] Silaeva, L., Kulchikova, Zh. and Barinova, E. (2019). The specialization areas of grain production focused on the export of products. IOP Conference Series: Earth and Environmental Science. 395. Available from: https://iopscience.iop.org/article/10.1088/1755-1315/395/1/012060 [accessed 23 March 2023]
[6] FAO. (2023). FAOSTAT [online]. Available from: https://www.fao.org/faostat/en/#data/TCL [accessed 23 March 2023]